Vá hè đường, “rách” thêm

(ANTĐ) - Đường mấp mô những ổ gà, hè vừa lát đã bong tróc vì đào bới, là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay trên các tuyến đường phố Thủ đô.
Những con đường lồi lõm những vết vá đường, như chiếc áo vá chằng vá đụp.

Sự cẩu thả của nhà thi công khiến đường sá lồi lõm, xuống cấp 
 Sự cẩu thả của nhà thi công khiến đường sá lồi lõm, xuống cấp

Đào bới vô tội vạ
Người dân Thủ đô đã quá quen với cảnh đào bới vỉa hè, hạ ngầm cáp, công trình thoát nước khiến đường phố lúc nào cũng ngập ngụa, bừa bộn, ách tắc giao thông. Thậm chí, sau khi đào bới làm công trình xong, nhiều đơn vị thi công dây dưa, kéo dài việc bồi hoàn gây mất mỹ quan đô thị. Việc bồi hoàn không đến nơi đến chốn khiến mặt đường vốn không bằng phẳng nay lồi lõm ổ trâu, ổ gà, gây nguy hiểm và bức xúc cho người đi lại. Điều đáng nói, những con phố một thời nổi tiếng Thủ đô nhờ xanh, sạch, đẹp đầu tư nhiều tỷ đồng cũng lần lượt “đội nón” ra đi vì sự đào đường vô tội vạ.

Không thể phủ định, việc hạ ngầm các công trình đi nổi như các loại dây cáp treo nhằng nhịt trên khắp các tuyến phố góp phần cải thiện mỹ quan đô thị. Song, việc dọn “rác trời” mà lại bày rác mặt đất thì liệu có đáng? Tuyến phố Khâm Thiên, một trong những con đường có lưu lượng phương tiện đi lại dày đặc. Nhưng có lẽ, đây cũng là một trong những con đường đứng đầu về lượng ổ trâu, ổ gà, vá víu tạm bợ nhất trong khu vực nội thành hiện nay. Những nắp hố ga hoặc lồi cao hơn mặt đường cả 5-6cm, hoặc thụt trũng so với mặt đường; đường hạ ngầm, thoát nước… để lại những vết vá víu qua loa, biến con đường ngày càng nham nhở. Anh Nguyễn Văn Chiến, nhà ở phố Tô Hiệu-Hà Đông bức xúc, ngày hai lần tôi phải đi lại trên tuyến đường này. Những chứng tích của việc đào bới vỉa hè rồi đắp điếm qua loa khiến việc lưu thông trên đường rất khó khăn.

Thêm vào đó, việc đào bới vỉa hè rồi hoàn trả không đảm bảo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đường. Bằng chứng, tại những chỗ được vá víu qua loa ấy, theo thời gian xuất hiện sụt lún, bong tróc mặt đường, vỉa hè. Hoặc qua mỗi trận mưa, dưới tác động của nước, mặt đường, vỉa hè bong tróc hàng loạt.

Quy định và thực tế
Theo quy định, trước khi cấp giấy phép đào hè, đường, Sở GTVT phải cùng chủ đầu tư đi khảo sát toàn bộ tuyến đường. Sau khi hoàn thành công trình, dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả tuyến đường và bảo hành trong 12 tháng, có sự giám sát của công ty quản lý cầu đường địa phương. Hoặc, việc hoàn trả sẽ do đơn vị quản lý đoạn đường đó thực hiện.

Ông Nguyễn Nguyên Huy, Trưởng phòng Giao thông đô thị, Sở GTVT nhìn nhận, việc hoàn trả mặt đường như ban đầu là rất khó, tương tự như cái áo rách vá lại. Khi được đề cập đến việc hạ ngầm, đào bới đồng bộ vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo mỹ quan, ông Huy cho rằng, các đơn vị thực hiện theo kế hoạch, lộ trình và phụ thuộc vào kinh phí. “Đào bới đồng bộ là điều mong muốn của cơ quan quản lý cũng như đơn vị thi công, nhưng rất khó. Bất cập trong việc này là phổ biến, khó tránh khỏi”, ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, việc bồi hoàn mặt đường chủ yếu do các nhà thầu thi công đảm nhiệm luôn, ít giao lại cho đơn vị quản lý cầu đường. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà thầu cũng rất chặt chẽ, những nhà thầu đã từng có “tiền án” về việc thi công ẩu, bồi hoàn mặt đường không tốt sẽ không được cấp giấy phép.

Quy định là một chuyện, nhưng thực tế đang diễn ra lại khác. Nhiều đơn vị trúng thầu các dự án hạ ngầm chỉ chăm chăm hoàn tất phần công trình ngầm, đến khi hoàn trả mặt đường thì thuê lao động tự do vào lấp sơ sài vệt đào, sau đó thảm một lớp bê tông át phan mỏng lên mặt. Do đó, chỉ một thời gian ngắn sau đó là xuất hiện tình trạng lún, sụt. Ngay cả ở những công trình được hoàn trả mặt đường “có ý thức” thì do yếu ở khâu kỹ thuật, vết lấp không được đắp cao thêm đường cũ để bù trừ độ lún, hoặc vết lấp không phủ ra thêm mỗi bên 20cm theo quy định nên không đảm bảo độ kết dính… Ngoài ra, chất lượng nhựa tái lập không đảm bảo cũng là một trong những nguyên nhân khiến phần đường hoàn trả nhanh bị sụt lún.

Thực tế, việc bồi hoàn mặt đường gần như trạng thái ban đầu là việc có thể thực hiện được. Sự thiếu trách nhiệm trong hậu kiểm của cơ quan chức năng là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống đường nội thành xuống cấp, nham nhở, lồi lõm. Chưa hết, hàng năm thành phố phải dành một số tiền không nhỏ để sửa chữa, duy tu, vô hình trung cơ quan chức năng gây nên sự lãng phí ngân sách nhiều năm nay.