|
Diện mạo nông thôn của huyện Mỹ Đức đã thực sự "thay da đổi thịt" |
Nổi bật là đến nay, toàn thành phố đã có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (trong giai đoạn 2015-2020); 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố cũng đang có 6 huyện phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức và Thanh Oai. Điểm đáng chú ý trong xây dựng nông thôn mới của Hà Nội những năm qua là đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn Thủ đô ngày một nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đến cuối năm 2023 chỉ còn 0,06%...
Trên cơ sở những kết quả đạt được, UBND thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung chung sức vì mục tiêu thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025. Theo đó, thành phố yêu cầu triển khai, thực hiện 6 tiêu chí rất rõ ràng, cụ thể, gồm: Có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới (hiện đã hoàn thành); có 100% số thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đã hoàn thành); có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được HĐND thành phố thông qua; đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu là 4m2/người.
Ngoài ra, thành phố yêu cầu thực hiện hoàn thành tiêu chí có ít nhất 70% số ki lô mét đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt từ 90% trở lên…
Để hiện thực hóa các chỉ tiêu nói trên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các cấp, ngành chức năng và địa phương của thành phố cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực thích đáng để tiếp tục phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics; phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó là nâng cấp cơ sở vật chất trong lĩnh vực giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn; chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, phát triển văn hóa, con người Thủ đô văn minh, thanh lịch. Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn. Cùng với giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn, các địa phương cũng cần quan tâm, chú trọng đầu tư thực hiện chuyển đổi số trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…
Xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Ở đó, người dân là chủ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức thực hiện, cũng là những người trực tiếp hưởng thụ thành quả xây dựng nông thôn mới. Vì thế, cùng với nhiệm vụ huy động nguồn lực, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân để hoàn thành các mục tiêu quan trọng về xây dựng nông thôn mới trong những năm tới.
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội