Ước vọng đầu năm

(ANTĐ) - Trong những ngày đầu năm mới, mỗi người đều nhìn về một tương lai tốt đẹp hơn với gia đình mình và toàn thể xã hội. Từ những doanh nhân thành đạt tới những người lao động bình thường đều ước vọng về một đất nước Việt Nam thanh bình, giàu bản sắc, một Hà Nội tươi đẹp và một cuộc sống no ấm, hạnh phúc, thành đạt...

Ước vọng đầu năm

(ANTĐ) - Trong những ngày đầu năm mới, mỗi người đều nhìn về một tương lai tốt đẹp hơn với gia đình mình và toàn thể xã hội. Từ những doanh nhân thành đạt tới những người lao động bình thường đều ước vọng về một đất nước Việt Nam thanh bình, giàu bản sắc, một Hà Nội tươi đẹp và một cuộc sống no ấm, hạnh phúc, thành đạt...

Ước vọng đầu năm ảnh 1
Du xuân

Với các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế, đó vừa là mong muốn, tin tưởng, vừa là sự lo lắng, cảnh báo và vừa là ý kiến đóng góp đầy tâm huyết, kỳ vọng vào một Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, căng tràn sức xuân. Dự cảm về kinh tế Việt Nam của năm 2008 đã được các chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ cùng Báo An ninh Thủ đô.               

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A:

Phải nghiên cứu kỹ, tìm kiếm cơ hội và hành động

Tôi hy vọng năm nay, Việt Nam sẽ vẫn phát triển tốt. Nếu Chính phủ khéo hơn thì tăng trưởng kinh tế có thể sẽ cao hơn nữa và bền vững hơn nữa. Một vấn đề mà tôi muốn lưu ý, đó là cơn khủng hoảng tài chính, khủng hoảng cho vay thế chấp ở Mỹ có ảnh hưởng rộng hơn người ta tưởng. Nếu có sự suy thoái kinh tế ở Mỹ thì Việt Nam sẽ phải rất cẩn thận. Trong thế giới hội nhập, nếu kinh tế Mỹ suy giảm, nó sẽ kéo theo hàng loạt nước khác bị ảnh hưởng theo, có những ngành sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức.

Đối với Việt Nam, dệt may, thủy sản xuất khẩu rất nhiều sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng, chưa chắc, bị ảnh hưởng đã là ảnh hưởng xấu. Khi gặp một khó khăn, nếu ta khéo, sẽ luôn ló ra những cơ hội. Nếu chúng ta khéo và tận dụng được cơ hội ấy thì khó khăn đó sẽ là thời cơ cho mình. Vấn đề là phụ thuộc vào bản thân mình mà thôi.

Tuy vậy, nhìn lại lịch sử, việc này chủ yếu là do doanh nghiệp nhưng nhiều khi, là do chính sách nhà nước. Chính sách là rất quan trọng. Chính sách tạo ra sự khuyến khích mà doanh nghiệp có thể chuẩn bị trước những thách thức có thể xảy ra, tìm kiếm ra cơ hội mới. Tôi ví dụ, cách đây 10 năm, khi khủng hoảng tài chính Thái Lan và châu Á xảy ra, ngay lập tức, đã ảnh hưởng đến Việt Nam, tuy rằng, ta không bị ảnh hưởng nhiều lắm, bởi khi đó, ta chưa hội nhập hoàn toàn.

Vậy thì, giả sử chúng ta khéo, ta vẫn có thể thu hút đầu tư nước ngoài vào nhiều hơn. Khi nhà đầu tư nước ngoài e ngại ở vùng A, B, C nào đó do khủng hoảng, mà ta có chính sách tốt, chắc chắn sẽ thu hút được họ về. Tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta lúc nào cũng phải tỉnh táo. Nghiên cứu kỹ, tìm kiếm cơ hội và khuyến khích doanh nghiệp hành động.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone:

Sẽ có những cuộc đua tranh quyết liệt

Năm 2008 sẽ là năm đột phá khai thác thị trường của các mạng di động, tiếp nối đà tăng trưởng nhảy vọt của năm 2007. Từ năm 2008 đến hết năm 2009, dự báo MobiFone và các nhà cung cấp khác sẽ lấp đầy 90% dân số sử dụng dịch vụ điện thoại di động, do vậy mạng nào nhanh chân sẽ giành phần thắng. MobiFone sẽ nỗ lực để tiếp tục giữ vị trí đứng đầu (trên 40%) và phấn đấu đạt mục tiêu trên 20 triệu thuê bao (hiện 14 triệu thuê bao).

Cùng với cuộc cạnh tranh quyết liệt giành thị phần, năm 2008 cũng là cuộc chiến lấy giấy phép 3G, bởi trong 7 nhà cung cấp chỉ có 4 giấy phép. Một cuộc đua không kém phần quyết liệt nữa đối với các mạng di động trong năm 2008 là dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng. Cuối năm 2008, khi 3G chính thức có mặt tại Việt Nam thì người tiêu dùng đã có quyền đòi hỏi các dịch vụ nội dung. Ngay từ bây giờ các nhà cung cấp đã phải chuẩn bị cho những bước tiến về dịch vụ nội dung như thoại có hình, video, truyền dữ liệu...

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT FPT:

Việt Nam sẽ là đối tác phần mềm của những nước tiên tiến

Năm nay sẽ là năm tăng trưởng nhảy vọt của kim ngạch xuất khẩu phần mềm Việt Nam. Nhận định này căn cứ vào mức tăng trưởng kỷ lục của lĩnh vực sản xuất, gia công phần mềm VN trong năm 2007, trong đó FPT Software đạt doanh thu của phần mềm và dịch vụ hơn 1.800 tỷ đồng, tăng hơn gấp hai lần so với năm 2006.

Việt Nam đã ghi tên vào bản đồ các quốc gia sản xuất, gia công phần mềm trên thế giới, với nguồn nhân lực đang được bồi đắp từng ngày, đội ngũ kỹ sư trình độ cao và kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm. Hiện tại, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã là đối tác lớn của những tập đoàn công nghệ thông tin, công nghiệp, tài chính ngân hàng hàng đầu thế giới tại Nhật, Mỹ, Đài Bắc – Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore...

Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế:

Mong những người nghèo sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa

Với tất cả những gì chúng ta đã làm được trong năm 2007 và những thách thức mới đang chờ ở phía trước, tôi vẫn luôn tin rằng, năm nay, chúng ta sẽ tiếp tục có đà tăng trưởng cao. Mức thu nhập trung bình theo đầu người sẽ tăng dần lên 900USD và kế tiếp năm sau là 1.000 USD, sớm vượt ngưỡng nước có thu nhập thấp, trở thành nước có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, vấn đề chính để đạt được kỳ vọng ấy là chúng ta sẽ phải trả giá như thế nào và phải chú trọng chất lượng tăng trưởng ra sao? Nếu đầu tư nhiều nhưng không khắc phục được khiếm khuyết trong năm nay, chất lượng các dự án thấp, thất thoát lãng phí, tham nhũng nặng nề, thì ta không chỉ đơn thuần tổn thất ở từng dự án. Khi ấy, dù mức thu nhập trung bình có cao, tốc độ GDP cao nhưng lợi ích thực tế thì người dân cũng không được hưởng nhiều. Một vấn đề cơ bản rất cần lưu ý để giải quyết, đó là tình trạng giàu nghèo phân cách nhiều hơn. Tài sản tích tụ trong tay một số người, còn những người nghèo thì càng nghèo đi. Chúng ta khuyến khích người giàu cần giàu lên để đầu tư, phát triển kinh tế, nhưng bên cạnh đó, càng phải chú trọng quan tâm hơn tới những người nghèo.

Năm thứ nhất trong WTO, chúng ta đã khá thành công. Nhưng ở năm thứ 2 này, tất cả các thách thức lớn sẽ dội lên nền kinh tế nhiều hơn. Tôi mong đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam, nếu như năm trước đã có nhiều bài học tốt trong hội nhập rồi thì năm nay sẽ áp dụng chủ động hơn nữa. Kinh tế Việt Nam sẽ không thể thành công nếu không có nỗ lực của doanh nghiệp.

Chị Đỗ Thị Lương, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội:

Mong thành phố xanh, sạch, đẹp

Để giữ cho thành phố sạch sẽ trong dịp Tết, chúng tôi đi làm liên tục mỗi ngày 8 giờ, không có ngày nghỉ Tết. Nghề của chúng tôi vẫn như thế.

Nói chung, chế độ lương thưởng của công ty cũng thỏa đáng với những vất vả của chúng tôi, đảm bảo cho anh chị em ăn Tết đầy đủ. Đầu năm mới, tôi mong muốn gia đình mình và tất cả các gia đình trên khắp đất nước Việt Nam có được cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc, no ấm.

Tôi cũng mong muốn đời sống người công nhân môi trường đô thị được khấm khá hơn, lương thưởng tốt hơn để cuộc sống gia đình đỡ vất vả. Tôi cũng mong ý thức của người dân về bảo đảm vệ sinh môi trường ngày một tốt lên để giữ Hà Nội luôn xanh, sạch, đẹp như trong những ngày Tết.

Em Nguyễn Thị Lan, đánh giày:

Mơ được đi học nghề

Đầu năm, em ước gì được về quê, ăn một cái Tết đầy đủ, ấm cúng bên gia đình. Em cũng mong được học hành, được đến trường như bao bạn khác chứ không phải lang thang đầu đường xó chợ.

Em cầu chúc cho em, các bạn và mọi người trong năm mới sẽ có một cuộc sống no đủ hơn, đỡ vất vả hơn. Cũng như nhiều bạn đánh giày khác, em cũng ước học được một nghề nào đó, bán hàng siêu thị chẳng hạn, để có thể kiếm được một công việc thường xuyên, an toàn, đảm bảo được cuộc sống hàng ngày. Một điều cuối cùng, em cũng mong kiếm được nhiều tiền để gửi về quê cho bố mẹ và các em ăn, học.

Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn:

Sẽ là năm phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng

Tôi nhìn thấy, bước sang năm nay, đã có rất nhiều tín hiệu lạc quan cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Con số thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm nay sẽ lên tới 25 tỷ USD, chứ không chỉ là 15 tỷ USD như mục tiêu trong kế hoạch đề ra.

Nhưng làm sao chúng ta tiêu thụ được con số khổng lồ đó?  Khi cơ sở hạ tầng phát triển thì các dòng vốn vào Việt Nam mới được khơi thông nhanh hơn. Do đó, tôi tin, năm nay sẽ là một năm phát triển mạnh nhiều dự án cơ sở hạ tầng. Có một điều quan trọng là, các địa phương phải có hoạch định cụ thể, kỹ càng các chính sách của mình, nhất là quy hoạch.

Có vậy, chúng tôi mới biết mà đầu tư, và chỉ khi đó, sự đầu tư của chúng tôi mới được nhanh chóng và hiệu quả. Năm 2008 sẽ là năm để cho các địa phương nhận thức rõ hơn và làm tốt hơn việc này. Năm nay cũng sẽ là năm để các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc vai trò của mình, chủ động tham gia trong quá trình này. Chính sách đưa ra tốt mà doanh nghiệp không biết tận dụng, triển khai tốt thì cũng là không hiệu quả. Tôi cảm thấy, đó cũng là vấn đề bức xúc như hoạt động kinh doanh máu thịt của mình. Nhiều doanh nghiệp nhìn thấy được cơ hội, nhưng không phải ai cũng nắm bắt được. Với chúng tôi, năm 2008, tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, chúng tôi sẽ tập trung làm tốt các dự án cơ sở hạ tầng mà mình đang tham gia, như dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chắc chắn sẽ hoàn thành vào năm 2011.

Ông Chu Đức Toản, người trồng đào phường Nhật Tân:

Ước gì thời tiết ôn hòa hơn

Năm cũ đã qua, năm mới đến, tôi không có mong ước gì lớn lao, chỉ mong sao gia đình, con cái mạnh khỏe bởi có sức khỏe mới hy vọng có được mọi thứ.

Bên cạnh đó, tôi cũng mong sao thời tiết năm nay sẽ ôn hòa hơn, những đợt rét hại như năm vừa rồi sẽ không xuất hiện để vườn đào Nhật Tân sẽ được mùa, đào không bị trắng nụ như Tết năm nay.

Người trồng  đào cả một năm vất vả, chỉ trông mong trúng vào dịp Tết để bù lại thu nhập. Không những vậy, đào Nhật Tân đang rất cần một thương hiệu để tự mình bảo vệ mình trước nạn đào Nhật Tân “giả”. Đây không phải là ước nguyện của riêng tôi mà của tất cả người dân Nhật Tân đã theo nghiệp trồng đào từ mấy chục năm nay.

C. Trung – P. Huyền - N. Tuyền – T. Nam (Ghi)