Ứng viên Le Pen dọa rút Pháp khỏi cơ cấu chỉ huy NATO, xây dựng quan hệ chiến lược với Nga

ANTD.VN - Ứng viên Le Pen cam kết sẽ thay đổi toàn diện nước Pháp nếu thắng cử, trong đó tập trung vào quan hệ với NATO và Nga.

Ứng viên Le Pen của Đảng cực hữu Rally National đã tiến vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp (sẽ được tổ chức vào ngày 24/4). Đối thủ chính trị của bà là chủ nhân hiện tại của Điện Elysee - ông Emmanuel Macron.

Trong các bài phát biểu tranh cử của mình, Le Pen đã tuyên bố rằng nếu giành chiến thắng, bà sẽ bắt đầu bằng việc rút Pháp khỏi các cơ cấu chỉ huy của Liên minh Bắc Đại Tây Dương và sẽ không đặt quân đội nước này dưới sự chỉ huy chung của Liên minh châu Âu.

"Đây không phải là việc rời khỏi NATO, mà là rời khỏi các cơ cấu chỉ huy chung của khối quân sự này", chính trị gia cánh hữu nói rõ trong cuộc trò chuyện với báo chí.

Không chỉ có vậy, vấn đề rất đáng chú ý nữa là bà Le Pen cũng có kế hoạch rút Pháp khỏi chương trình hợp tác phát triển máy bay quân sự với Đức và tập trung nguồn lực để cập nhật phi đội chiến đấu cơ Rafale nội địa.

Mặc dù vậy, ứng cử viên cho chức vụ cao nhất của nhà nước Pháp cho biết, bà vẫn không có kế hoạch xúc tiến cuộc trưng cầu dân ý nhằm rời khỏi Liên minh châu Âu tương tự như những gì nước Anh đã thực hiện

"Đây không phải là mục tiêu của tôi ... Nhưng đồng thời, tôi muốn cấu trúc châu Âu này phát triển", bà Le Pen cho biết tại cuộc trả lời phỏng vấn với các phóng viên trong chuyến đi đến tỉnh Yonne, miền Đông của đất nước.

Ngoài ra, bà Marine Le Pen còn hứa hẹn sẽ thực hiện "quan hệ hợp tác chiến lược" với Nga. Đồng thời, ứng cử viên nói trên không phải là người ủng hộ việc dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt chống Nga.

"Tôi không ủng hộ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tôi phản đối những biện pháp trừng phạt liên quan đến lĩnh vực năng lượng, bởi vì tôi không muốn người Pháp phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực", bà Le Pen nói trên đài phát thanh France Inter.

Như vậy, nếu bà Le Pen trúng cử Tổng thống Pháp, tình hình địa chính trị tại châu Âu có thể sẽ trải qua sự thay đổi rất lớn và sự đoàn kết trong EU sẽ đối diện thách thức được đánh giá là nghiêm trọng.

Đây là điều không gây ngạc nhiên bởi cương lĩnh tranh cử của Đảng Rally National cũng như bà Le Pen đó là thực thi chính sách đề cao sự độc lập của nước Pháp, hạn chế nhập cư... theo đúng tư tưởng cực hữu.

Trước thực tế trên, không khó hiểu tại sao tại nhiều quốc gia châu Âu hiện nay đang nổi lên rất nhiều ý kiến lo ngại viễn cảnh ứng viên Le Pen sẽ trở thành chủ nhân tiếp theo của Điện Elysee, bởi hậu quả đối với EU sẽ rất lớn.

Mặc dù vậy, cơ hội để bà Le Pen giành chiến thắng trước ông Macron trong vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vẫn bị đánh giá là không cao, thậm chí gần như là nhiệm vụ bất khả thi.

Trong vòng hai cuộc bầu cử nhiệm kỳ trước, ông Macron đã thắng áp đảo bà Le Pen khi thu về hơn 60% số phiếu bầu. Giới phân tích dự đoán đương kim Tổng thống Pháp sẽ tiếp tục chiến thắng, cho dù không còn áp đảo như trước.

Nhưng dù sao đi nữa, việc xu thế dân tộc hay cực hữu nổi lên mạnh mẽ tại châu Âu trong những năm gần đây vẫn là một tín hiệu mà các chính trị gia EU không thể bỏ qua, họ cần đưa ra các điều chỉnh về chính sách để lấy lại sự ủng hộ của một bộ phận dân chúng.