Ứng phó với tình trạng thiếu điện

(ANTĐ) - Thông tin mới nhất được Bộ Công Thương công bố cho thấy, nhiều khả năng cung ứng điện trong mùa khô năm nay sẽ bớt căng thẳng.

Ứng phó với tình trạng thiếu điện

* Mùa khô 2011: Điện có thể sẽ bớt căng thẳng hơn năm ngoái

(ANTĐ) - Thông tin mới nhất được Bộ Công Thương công bố cho thấy, nhiều khả năng cung ứng điện trong mùa khô năm nay sẽ bớt căng thẳng.

Thiếu khoảng 1,7 tỷ kWh

Sửa chữa đường dây để kịp thời cung cấp điện (ảnh minh hoạ)

Theo nhận định ban đầu của Cục Điều tiết Điện lực (ĐTĐL - Bộ Công Thương), năm 2011, tổng lượng nước thiếu hụt của các hồ chứa thủy điện khoảng 13 tỷ m3, tương đương sản lượng điện thiếu hụt khoảng 3 tỷ kWh so với trung bình nhiều năm.

Các nhà máy nhiệt điện mới ở miền Bắc gồm: Cẩm Phả, Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn Động vẫn đang trong giai đoạn vận hành chưa ổn định. Một số nhà máy nhiệt điện hiện phải ngừng vận hành để bảo dưỡng sửa chữa ngay trong giai đoạn mùa khô năm 2011 do đã hoạt động liên tục trong thời gian dài, một số nhà máy đã vượt quá thời hạn bảo dưỡng, sửa chữa do vậy hiệu suất thấp, hay xảy ra sự cố. Khả năng hệ thống điện không đảm bảo cung ứng điện với sản lượng điện thiếu hụt dự kiến trong mùa khô khoảng 2,08 tỷ kWh.

Nhưng mùa khô năm 2011 đã trải qua được 2 tháng (tháng 1 và tháng 2) và mức tăng trưởng của hệ thống thấp hơn so với dự kiến. Ông Phạm Mạnh Thắng - Cục trưởng Cục ĐTĐL cho hay: ‘‘Nhu cầu điện thực tế chỉ tăng 12,9% trong khi dự báo là 18,3%. Chúng tôi tính toán lại, trong 2 tháng vừa qua nhu cầu điện thấp hơn so với tính toán khoảng trên 300 triệu kWh. Nếu nhu cầu vẫn tăng với tốc độ thấp như hiện nay thì thiếu hụt sẽ không nhiều như công bố trước đây”. Mức thiếu hụt ở khoảng 1,7 tỷ kWh trong 4 tháng còn lại của mùa khô. Con số thiếu hụt điện này vẫn nhiều hơn lượng thiếu hụt 1,4 tỷ kWh trong mùa khô năm ngoái.

Vẫn có ý kiến cho rằng, sở dĩ tăng trưởng điện 2 tháng đầu năm thấp là vì đây là thời kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp nghỉ tết, thời tiết tại miền Bắc ấm áp hơn trước đó, miền Nam mát mẻ nên nhu cầu điện sinh hoạt giảm. Nhưng bước sang các tháng tiếp theo của mùa khô, thời tiết nắng nóng, các doanh nghiệp hoạt động đều đặn có thể khiến tăng trưởng nhu cầu điện đúng như dự kiến ban đầu.

Thay đổi cách tiết giảm điện

Cục ĐTĐL cho hay, để đáp ứng nhu cầu điện của khách hàng trong mùa khô này, các nguồn điện giá cao cũng được huy động. Cụ thể, từ nay đến tháng 6, nhiệt điện tua bin khí được huy động khoảng 23.276 triệu kWh; nhiệt điện dầu FO là 3.472 triệu kWh; nhiệt điện dầu DO là 219 triệu kWh và nhập khẩu từ Trung Quốc thêm khoảng hơn 2.611 triệu kWh. Các nguồn điện từ thuỷ điện và nhiệt điện than vẫn vận hành bình thường.

“Số liệu về huy động nguồn điện bằng các nguồn giá cao năm nay sẽ cao hơn năm ngoái rất nhiều. Để sản xuất ra 1kWh bằng dầu có thể giá thành lên tới 5.000- 6.000 đồng/kWh, trong khi thuỷ điện và nhiệt điện chỉ ở khoảng 1.000 đồng/kWh. Ngoài ra, về vận hành hệ thống, nếu có 100% công suất mà vận hành hết 100% thì ở bất kỳ thời điểm nào cũng có thể gặp sự cố. Nhưng việc huy động các nguồn điện, kể cả chạy dầu là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước” - ông Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thắng, năm nay, việc tiết giảm điện sẽ được thực hiện theo cách thức khác. Năm ngoái, tiết giảm điện chủ yếu vào điện sinh hoạt ở khu vực nông thôn để ưu tiên điện cho sản xuất. Nhưng năm nay, có thể tiết giảm điện ở một số ngành tiêu thụ điện lớn nhưng hiệu quả sản xuất không cao, ưu tiên cho sinh hoạt.

Bộ Công Thương có ý định sẽ giao cho UBND các tỉnh căn cứ trên lượng điện có thể sản xuất được để tính ra điện thiếu hụt là bao nhiêu, từng địa bàn xem xét tiết giảm với đối tượng nào để cho hài hòa và công bằng. Ngoài ra, cũng thực hiện cắt luân phiên, có doanh nghiệp nghỉ vào thứ 2, có doanh nghiệp nghỉ vào thứ 3, thứ 4 trong tuần để công bằng hơn và giảm tải cho hệ thống.

Vân Hằng