Ứng dụng công nghệ 4.0 trong giám định tài liệu

ANTD.VN - Giám định tài liệu là một chuyên ngành của kỹ thuật hình sự, trong đó sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy xuất, truy tìm dấu vết tội phạm. Thực tế tại công an các địa phương, việc lưu và quản lý mẫu so sánh giám định đều là thủ công, do vậy, không tránh khỏi việc mẫu lưu lâu ngày bị nhòe, rách, nát hoặc thất thoát. Trước tình hình này, phòng Kỹ thuật hình sự CATP Hà Nội đã nghiệm thu và cho ứng dụng một phần mềm quản lý mẫu giám định. Đây là một đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở do chính cán bộ của Phòng nghiên cứu, xây dựng.

Phần mềm này là do Thượng úy Hoàng Kiên Quyết, cán bộ Đội Giám định tài liệu, Phòng Kỹ thuật hình sự, CATP Hà Nội làm chủ nhiệm. Theo thống kê tại đơn vị này, hàng năm có đến hơn 1.500 vụ giám định tài liệu, trong đó 50% là sử dụng mẫu lưu. Tuy số lượng vụ việc lớn nhưng phương pháp lưu và quản lý mẫu so sánh lại hoàn toàn thủ công nên cán bộ chiến sỹ mất nhiều thời gian trong quá trình giám định. Trước tình hình này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng chương trình lưu và quản lý hình dấu, chữ ký, ấn phẩm đáp ứng, để nâng cao hiệu quả công tác.

Vụ phát hiện kho hàng “khổng lồ” tập kết bỉm Bobby giả tại huyện Gia Lâm này là ví dụ điển hình. Để giám định loại bỉm này là giả hay thật, các giám định viên đã phải làm việc rất vất vả. Bởi lẽ, số lượng mẫu phải giám định tại đây lên tới 122.000 miếng tã, với hàng nghìn bao bì và tã quần trẻ em.

Uớc tính thời gian xây dựng bản ảnh cho một mẫu hình dấu, chữ ký theo phương pháp thủ công mất khoảng 30 phút thì thời gian xây dựng bản ảnh theo phương pháp mới này chỉ mất khoảng 2 phút.

Cũng bởi vậy, việc số hóa toàn bộ mẫu lưu trong phần mềm sẽ giúp việc tìm kiếm, truy xuất hiệu quả hơn. Chương trình được cài đặt tại một nơi duy nhất sẽ rất dễ quản lý về mã nguồn, cơ sở dữ liệu, họat động người dùng, lịch sử truy cập… Hiện nay phần mềm này đang được triển khai tại Phòng Kỹ thuật hình sự, CATP Hà Nội, nếu được nhân rộng ra công an các địa phương, thì phần mềm này chính là một tàng thư chung, đa dạng về mẫu lưu và dù các giám định viên ở đâu cũng có thể tra cứu mẫu của địa phương khác.

Mỗi kết luận giám định là cơ sở, thậm chí là bước đột phá của vụ án đối với cơ quan điều tra Do vậy, mỗi CBCS Phòng Kỹ thuật hình sự vẫn luôn nỗ lực nghiên cứu, học hỏi, nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ 4.0 vào nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn nhằm phục vụ tốt công tác điều tra, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn Thủ đô.