Ukraine huy động pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 cổ lỗ sĩ để kháng Nga?

ANTD.VN - Pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 đường như đã được Ukraine huy động để kháng Nga, việc huy động các loại vũ khí cũ, thậm chí lôi ra từ bảo tàng để tăng cường sức mạnh đã được Kiev áp dụng từ đầu thời điểm xung đột.
Trong cuộc xung đột đang diễn ra, cả Nga và Ukraine đều huy động các loại khí tài cũ, thậm chí gọi tái ngũ nhưng dòng vũ khí đã loại biên từ nhiều năm trước.
Tại khu vực Poltava, hình ảnh một khẩu pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 đã được phát hiện. Rất có thể chúng đã được Ukraine huy động.
Pháo tự hành ASU-85 được dùng chi viện hỏa lực cho bộ binh tiến công hoặc phòng ngự, nó có khả năng diệt xe tăng, xe bọc thép hạng nhẹ.
ASU-85 được thiết kế trên cơ sở khung gầm xe tăng lội nước PT-76, nhưng không có khả năng lội nước.

ASU-85 (cũng có lúc gọi là SU-85, khác với pháo chống tăng SU-85 trong CTTG 2) là pháo tự hành do cục thiết kế Astrov phát triển trong giai đoạn 1951-1959 cho lực lượng đổ bộ đường không Liên Xô sử dụng suốt chiến tranh Lạnh.

ASU-85 có kích cỡ nhỏ cùng trọng lượng nhẹ để dễ dàng vận chuyển trên các máy bay vận tải của Quân đội Liên Xô như An-12 cho chiến dịch đổ bộ đường không.

Loại pháo tự hành đổ bộ đường không này có trọng lượng 15,5 tấn, dài 6m, rộng 2,8m, cao 2,1m.
Do phải giảm trọng lượng nên độ giáp của pháo chỉ là từ 40-45mm, dày nhất ở mặt trước thân xe.
Chiếc xe được kết cấu với ba khoang gồm: Khoang lái ở mặt trước; khoang chiến đấu ở trung tâm thân xe và khoang động cơ nằm ở đuôi.

Đáng lưu ý, pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 được thiết kế không tháp pháo, pháo chính được gắn chặt, cố định vào thân xe.

Kiểu thiết kế này mang mang hơi hướng của các dòng vũ khí như pháo chống tăng thời Thế chiến thứ 2.

ASU-85 được trang bị pháo chính 85mm 2A15 nặng 1,8 tấn, có góc nâng hạ nòng -4,50 độ tới 15 độ.

Pháo chính 85mm có thể bắn các loại đạn nổ chống tăng 3BK-7, đạn xuyên thép siêu tốc BR-372 và đạn nổ mạnh OF-372, tầm bắn hiệu quả 1.150m, tối đa là 10km.

Khi dùng đạn xuyên giáp 3BK-7, ASU-85 có khả năng xuyên 192mm giáp thép ở góc chạm 60 độ từ cự ly xấp xỉ 1.000m.

Cả pháo chính 85mm và súng máy đồng trục PKT đều trang bị kính ngắm TShK-2-79.

Trong tác chiến đêm, pháo thủ được bổ sung kính ngắm TPN1-79-11 kết hợp với đèn pha L-2. Khi bắn trực tiếp, pháo thủ được trợ giúp bởi kính ngắm S-71-79 và PG-1.
Mặt khác người chỉ huy xe được cung cấp hai thiết bị trinh sát gồm TPKE-20 (ban ngày) và TKN-1T (ban đêm).

ASU-85 được trang bị động cơ diesel YaMZ-206V công suất 210 mã lực với hộp số cơ khí cho khả năng cơ động cao tốc 45km/h trên nhiều địa hình.

Việc có thể cơ động trên nhiều địa hình giúp đảm bảo theo sát chi viện hỏa lực cho các cánh quân, kể cả trong hành tiến tốc độ cao.

Pháo tự hành ASU-85 tham chiến lần đầu trong cuộc chiến tranh Afghanistan những năm 1980, nhưng không có nhiều ghi nhận về hiệu suất của nó.
Quân đội Liên Xô đã rút pháo ASU-85 ra khỏi biên chế vào cuối thập niên 1980.
Tuy vậy dòng vũ khí này vẫn còn được một số lượng nhỏ các quốc gia sử dụng chủ yếu cho việc huấn luyện chiến đấu.