UAV sát thủ MQ-9 của Mỹ quần đảo trên Dải Gaza để làm gì?

ANTD.VN - Quân đội Mỹ xác nhận điều UAV sát thủ MQ-9 tới họa động tại Dải Gaza nhằm để xác định vị trí con tin, cũng như có thể chia sẻ tin tình báo với Israel.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder ngày 3/11 xác nhận, một số UAV MQ-9 của quân đội nước này đã xuất hiện ở Dải Gaza sau vụ tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10.
Những UAV sát thủ MQ-9 của Mỹ sẽ làm nhiệm vụ hỗ trợ định vị các con tin bị Hamas bắt giữ.
"Mỹ đang tổ chức các chuyến bay của máy bay không người lái (UAV) không vũ trang trên Dải Gaza, cũng như cung cấp lời khuyên và hỗ trợ để giúp đối tác Israel trong nỗ lực giải cứu con tin của họ", Chuẩn tướng Patrick Ryder nói.
"Các chuyến bay này bắt đầu sau vụ tấn công của Hamas nhằm vào Israel", tướng Patrick Ryder nói thêm.
Xác nhận được đưa ra sau khi một số hãng truyền thông dẫn dữ liệu từ các trang web giám sát chuyến bay cho biết, một số UAV MQ-9 Reaper của Mỹ bay lòng vòng phía trên Dải Gaza.
Ít nhất 6 chiếc xuất hiện ở phía nam Gaza. Một số chiếc hoạt động liên tục trong nhiều giờ đồng hồ ở độ cao khoảng 7.500m.
Các quan chức Mỹ khẳng định thông tin tình báo do UAV MQ-9 của nước này thu thập và chia sẻ chỉ giới hạn ở nỗ lực giải cứu con tin, không nhằm xác định mục tiêu để lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thực hiện các vụ tập kích nhằm vào vị trí của thành viên và lãnh đạo Hamas.
Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ thừa nhận thông tin do UAV MQ-9 thu thập được chia sẻ cho Israel có thể hữu ích trong theo dõi các hoạt động khác của Hamas.

Một số cựu quan chức tình báo Mỹ nhận định chưa rõ hình ảnh thu thập từ các chuyến bay của UAV trên Dải Gaza sẽ giúp gì cho nỗ lực xác định vị trí các con tin, do những người này có thể đang bị giam trong hệ thống hầm ngầm dưới lòng đất.

Trong số hơn 240 con tin bị lực lượng Hamas giam tại Dải Gaza có thể có 10 công dân Mỹ.

Các đặc nhiệm của Mỹ tại Israel tư vấn cho IDF về nỗ lực giải cứu con tin. Chuẩn tướng Ryder ngày 3/11 khẳng định đơn vị đặc nhiệm này và quân đội Mỹ "không tham gia xác định mục tiêu cùng IDF" hay hỗ trợ lực lượng này triển khai chiến dịch nhằm vào Dải Gaza.

UAV nằm trong kế hoạch tăng cường phương tiện thu thập thông tin tình báo của Mỹ tại khu vực Trung Đông sau vụ tấn công của Hamas.

Máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper là một trong những dòng vũ khí đáng sợ của không quân Mỹ, trị giá của mỗi chiếc UAV này lên tới 30 triệu USD.
UAV MQ-9 của Mỹ hiện được coi là máy bay không người lái có sức chiến đấu mạnh nhất thế giới.
Bằng các sensor cảm biến quang điện tử hiện đại, MQ-9 Reaper có thể tự động tìm kiếm, phát hiện, theo dõi và dẫn đường chính xác cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu.
UAV MQ-9 có thể trang bị các loại vũ khí hiện đại bao gồm bom thông minh, tên lửa tìm nhiệt và tên lửa diệt tăng.
Hiện nay Mỹ đang tăng cường sức mạnh cho cỗ máy chết người này bằng việc trang bị các tên lửa dẫn đường bằng radar.
MQ-9 có chuyến bay đầu tiên vào năm 2001 và được sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 2007.
Ngay sau khi ra mắt, loại máy bay không người lái này được không quân Mỹ sử dụng tích cực tại các điểm nóng trên thế giới.
MQ-9 Reaper được điều khiển từ xa qua tín hiệu vệ tinh hoặc thông qua các trạm điều khiển mặt đất truyền thông tin nối tiếp nhau.
Chúng có khả năng bay liên tục 14 tiếng trên không.
Với 7 giá treo, MQ-9 có thể mang theo tới 14 tên lửa diệt tăng Hellfire, hoặc tên lửa đối không Stinger.
Bên cạnh đó nó cũng có thể mang theo các loại bom thông minh đường kính nhỏ.
Ngoài ra MQ-9 cũng có thể mang theo các thiết bị chuyên dụng để áp chế hệ thống điện tử của đối phương.
Ngoài phương diện chính là tấn công, MQ-9 vẫn đảm đương tốt nhiệm vụ trinh sát và do thám mặt đất đối phương.
Có thể nói rằng, UAV MQ-9 Reaper lớn và hiệu quả hơn MQ-1 Predator.
Chiếc UAV này có phạm vi hoạt động rộng hơn, tải trọng cao hơn và thời gian hoạt động trên không dài hơn. Do vậy, nó có thể thực hiện nhiệm vụ kép (tấn công - trinh sát) hiệu quả hơn.
Mỹ sở hữu khoảng 100 chiếc Reaper, biên chế về nhiều đội quân khác nhau.
Những nước khác ngoài Mỹ cũng chuộng loại máy bay này gồm Italy, Pháp, Anh và Hà Lan.