UAV khổng lồ Liên Xô tập kích sân bay, tâm điểm cáo buộc từ Nga dành cho Ukraine

ANTD.VN - Bộ Quốc phòng Nga ngày 5/12 cáo buộc Ukraine sử dụng UAV khổng lồ do Liên Xô sản xuất tập kích hai căn cứ không quân Dyagilevo và Engels nằm sâu trong lãnh thổ nướ này, khiến ba kỹ thuật viên Nga thiệt mạng, 4 quân nhân bị thương. 

Nga gọi vụ tấn công bằng UAV khổng lồ thời Liên Xô là "hành vi khủng bố" và phóng tên lửa nhằm vào 17 mục tiêu ở Ukraine để đáp trả.

Được biết các căn cứ không quân này là nơi đóng quân của các máy bay ném bom chiến lược của Nga.

Các hình ảnh được truyền thông Nga đưa ra cho thấy, đã có ít nhất một chiếc máy bay ném bom Tu-95MS và Tu-22M3 bị hư hỏng, tuy nhiên phía Bộ Quốc phòng Nga chưa xác nhận điều này.
Ukraine chưa xác nhận tập kích các sân bay Dyagilevo và Engels hay Kursk.

Tuy nhiên, Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, khi đề cập đến các vụ nổ đã viết trên Twitter rằng "Nếu thứ gì đó được phóng vào không phận nước khác, sớm muộn sẽ có những vật thể bay không xác định lao về điểm xuất phát của chúng".

Các chuyên gia phân tích phương Tây đồng quan điểm với Bộ Quốc phòng Nga khi tin rằng Ukraine đã xâm nhập không phận Nga bằng các UAV khổng lồ Tu-143 do Liên Xô phát triển, không phải thiết bị UAV do phương Tây cung cấp.
UAV khổng lồ Tu-143 là loại phương tiện bay do thám do Liên Xô phát triển, được Ukraine sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột đang diễn ra.
Tuy từng là niềm tự hào của Liên Xô, nhưng Tu-143 cho thấy chúng lép vế trước các loại UAV hiện đại trên chiến trường ngày nay.
Dù vậy chúng vẫn được Kiev cải tiến để tận dụng để sử dụng do thám và tập kích vào các vị trí của quân Nga trên khắp chiến trường Ukraine.
Được biết, Tupolev Tu-143 Reys là loại máy bay không người lái được Liên Xô chế tạo vào giai đoạn cuối thập niên 1970 cho tới đầu những năm 1980.
Tu-143 được thiết kế để tiến hành các phi vụ trinh sát chiến thuật, nó có thể bay ở tầm thấp, được triển khai từ một chiếc xe tải hạng nặng và khi phóng có sự hỗ trợ của tên lửa đẩy.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chiếc UAV này sẽ hạ cánh bằng dù.
Trong quá khứ, chỉ có khoảng 950 chiếc máy bay không người lái loại này được sản xuất, phiên bản ban đầu sử dụng máy ảnh phim 35 mm, nhưng các biến thể sau được trang bị một camera ghi hình hoặc thiết bị phát hiện bức xạ.
Tu-143 giống một quả tên lửa hành trình hơn là UAV thông thường, nó có chiều dài 8,06 m, chiều cao 1,54 m, sải cánh 2,24 m, trọng lượng phóng 1,2 tấn.
Tu-143 trang bị động cơ turbine phản lực TR3-117 cho tốc độ bay khoảng 950 km/h, trần bay 5.000 m.
Chiếc Tu-143 có nhược điểm lớn đó là đường bay khá đơn giản, tốc độ tương đối chậm, không có khả năng lẩn tránh lưới lửa phòng không như các UAV hiện đại ngày nay.

Trong quá khứ, đã có ý tưởng đề xuất tận dụng những chiếc Tu-143 này cho nhiệm vụ khác, đó là hoán cải nó thành tên lửa hành trình tấn công mặt đất.

Tuy nhiên công việc không được tiến hành do khoảng không gian bên trong chiếc Tu-143 chẳng còn đủ để mang đầu đạn cỡ lớn, việc thiết kế lại hệ thống dẫn đường cũng tỏ ra quá phức tạp, vì thế dự án bị hủy bỏ.

Mặc dù vậy, cần phải lưu ý rằng Tu-143 với diện tích phản xạ radar nhỏ, hoạt động được ở độ cao khá thấp vẫn là mục tiêu khó bị đánh bại đối với các hệ thống tên lửa phòng không.
Điều này lý giải vì sao Nga có một lưới lửa phòng không dày đặc vẫn bất ngờ trong việc vô hiệu hóa loại UAV này khi nó tập kích các sân bay của nước này.
Có thông tin cho rằng, quân đội Ukraine trong thời gian gần đây thường tận dụng một số chiếc Tu-143 cải tiến để tiến hành tập kích vào lực lượng Nga.
Do có tiềm lực khoa học quốc phòng thừa hưởng từ Liên Xô và với khoa học hiện tại sẽ không quá khó khăn để Ukraine cải tiến chiếc UAV này, điều mà trước đây Liên Xô từng bỏ dang dở.