Tỷ giá tăng “nóng” liệu có gây sức ép lên mặt bằng lãi suất?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù tỷ giá tăng nóng thời gian qua sẽ gây sức ép lên mặt bằng lãi suất, song các chuyên gia cho rằng đây chỉ là vấn đề ngắn hạn và Việt Nam vẫn còn dư địa điều hành tỷ giá.

Vì sao tỷ giá “nổi sóng”

Trong những phiên gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tục tăng tỷ giá trung tâm và tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, trong phiên 17/8, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 33 đồng, lên 23.951 VND/USD. Tính từ đầu tuần, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 114 đồng.

Cùng với đó, giá bán USD tham khảo tại Sở giao dịch NHNN cũng tăng thêm 35 đồng trong phiên hôm nay và tăng 120 đồng tính từ đầu tuần, lên mức 25.098 VND/USD.

Tại các ngân hàng, sau 3 phiên tăng mạnh thì tỷ giá hôm nay đã điều chỉnh trở lại với mức giảm khoảng 100 đồng mỗi USD. Theo đó, tỷ giá tại Ngân hàng Vietcombank đang niêm yết mức 23.680 – 24.020 VND/USD.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên khiến tỷ giá “nổi sóng” những ngày qua đến từ việc đồng USD trên thị trường thế giới tăng giá khiến hầu hết các đồng tiền khác bị mất giá so với đồng bạc xanh. Hiện chỉ số USD Index, đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đang đứng quanh mức 103,4 điểm, tăng mạnh so với mức khoảng 99,5 hồi tháng 5.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành khá quyết liệt trong nửa đầu năm 2023 để hỗ trợ tăng trưởng, tuy nhiên đây cũng là động thái hạ bớt "tấm khiên" để ổn định tỷ giá.

Không chỉ vậy, việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động thời gian qua khiến mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm nhanh, qua đó khiến chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức cao dẫn đến tâm lý đầu cơ ngoại tệ của người dân. Hiện lãi suất vay mượn kỳ hạn qua đêm bằng VND trên thị trường liên ngân hàng còn trên mức 0,2%/năm, kỳ hạn 1 tuần là 0,45%/năm, 2 tuần là 0,65%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD cùng kỳ hạn lần lượt ở mức 5,07%/năm, kỳ hạn 1 tuần là 5,14%/năm và 2 tuần là 5,23%/năm.

Chuyên gia kinh tế cho rằng, mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD lên tới 4,5 - 4,85%/năm có thể dẫn đến hoạt động đầu cơ, tạo sức ép lên tỷ giá, cộng với nhu cầu ngoại tệ tăng lên theo mùa vụ đã tác động không nhỏ tới tỷ giá VND/USD.

Tỷ giá liên tục tăng mạnh kể từ đầu tuần

Tỷ giá liên tục tăng mạnh kể từ đầu tuần

Chỉ là vấn đề thời điểm

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tỷ giá tăng nóng chỉ mang tính ngắn hạn, sức ép lên mặt bằng lãi suất là có song không phải quá lớn.

Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), biến động tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN vì nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu khiến cho cán cân thương mại tăng cao kỷ lục là 15,23 tỷ USD; kiều hối chuyển về TP.HCM tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ; cung - cầu ngoại tệ không căng thẳng như nửa cuối năm 2022 và NHNN đã mua vào hơn 6,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS cho rằng, mặc dù áp lực lên VND đã tăng nhưng sẽ không gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô và mức giảm giá của VND so với USD vẫn còn khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Đối với chính sách tiền tệ, ông cho rằng việc tăng tỷ giá sẽ khó có khả năng khiến NHNN đảo chiều chính sách, tuy nhiên sẽ khiến nhà điều hành thận trọng hơn với các thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ.

"Nhiều khả năng NHNN sẽ không tiếp tục hạ lãi suất điều hành trước khi Fed có động thái hạ lãi suất vào năm sau", ông Hoàng Công Tuấn dự đoán.

Các chuyên gia Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng đà tăng của DXY chỉ mang tính ngắn hạn do Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt. Kết hợp với yếu tố hỗ trợ là nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ xuất siêu, FDI và kiều hối, KBSV cho rằng tỷ giá thời gian tới sẽ chỉ tăng nhẹ 1-2% so với đầu năm.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng nhận định việc tỷ giá tăng sẽ chỉ mang tính thời điểm, hiện cung - cầu ngoại tệ nước ta cơ bản ổn định nên không cần quá lo lắng.

“Tất nhiên, hiện lo ngại lớn là chênh lệch lãi suất VND – USD, nhưng tôi nghĩ từ nay đến cuối năm mức chênh lệch ít nhất là ổn định” – ông nói.

Cùng với đó, Mỹ có thể tăng lãi suất nhiều nhất chỉ 1 lần nữa rồi dừng lại và khả năng giảm lãi suất từ đầu năm sau. Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ gây áp lực lên tỷ giá, song theo ông là không đáng kể, vì tất cả những điều này đã được dự báo trước.

Về sức ép đối với mặt bằng lãi suất, ông cho rằng sẽ có. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, thời điểm này việc giảm lãi suất điều hành là không nhất thiết cần thiết nữa, chủ yếu là các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay.

“Thủ tướng đã chỉ đạo và các ngân hàng thương mại đang quyết liệt triển khai, tất nhiên phải có độ trễ” – vị chuyên gia nói.