Tuổi thọ trung bình của nữ giới Việt Nam tăng lên 76 tuổi, nam đạt 71 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Y tế cho biết, tuổi thọ trung bình của người dân nước ta tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021 (nam là 71 tuổi, nữ 76 tuổi) và cao hơn mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á…
Người cao tuổi ở Hà Nội tập thể dục

Người cao tuổi ở Hà Nội tập thể dục

Ngày 26-12, Tổng cục Dân số - Bộ Y tế tổ chức mittinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam. Thông tin tại đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú cho biết, năm 2022, dân số Việt Nam đạt hơn 99 triệu người, muộn hơn 10 năm so với dự báo.

Tuổi thọ trung bình của người dân nước ta tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021 (nam là 71 tuổi, nữ 76 tuổi) và cao hơn mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, số năm sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng qua các năm, đứng thứ 117/189.

Đáng chú ý, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Mức thông thường của tỷ số này là 104-106 bé trai/100 bé gái, thế nhưng năm 2022, tỷ số này ở nước ta là 113,7 (không đạt mục tiêu đề ra là 111,4). Thậm chí, một số địa phương có tỷ số giới tính khi sinh ở mức rất cao như Nghệ An (116,6), Sơn La (117)…

Việt Nam đang là quốc gia có tỷ số giới tính khi sinh cao thứ ba ở khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Tổng cục Thống kê dự báo đến năm 2034, nếu tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không giảm, nước ta sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới lứa tuổi 15-49; đến năm 2059 con số này là 2,5 triệu.

Một thách thức khác của công tác dân số là mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022, tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) là 2,01 con. Tuy nhiên, trong khi TP.HCM, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu... mức sinh chưa đến 1,4 con/phụ nữ thì tại Hà Tĩnh, Nghệ An, mỗi phụ nữ lại sinh gần gấp đôi.

Tin cùng chuyên mục