Từ vụ Triệu Quân Sự bỏ trốn lần 3: Phạm nhân bỏ trốn sẽ bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như ANTĐ đã đưa tin, mới đây, phạm nhân Triệu Quân Sự đã bỏ trốn khỏi trại giam lần thứ 3. Liên quan đến vụ việc này, nhiều người đặt câu hỏi: Giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn như thế nào? Phạm nhân bỏ trốn sẽ bị xử lý ra sao?

Phạm nhân Triệu Quân Sự (31 tuổi, trú tại xã Phú Cường, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) bỏ trốn khỏi trại giam của Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng đóng trên địa bàn xã Thành Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa tối 31-5. Triệu Quân Sự chính là người đã từng trốn trại 2 lần, vào các năm 2015 và 2020.

Sau khi Triệu Quân Sự bỏ trốn, lực lượng công an và quân sự xã Thành Long, huyện Thạch Thành và các đơn vị chức năng đang tổ chức tìm kiếm, truy bắt.

Triệu Quân Sự từng là bộ đội, cấp bậc Binh nhì, nhưng sau đó đào ngũ, mê game và phạm tội giết người, cướp tài sản nên bị xử phạt án tù chung thân.

Phạm nhân Triệu Quân Sự tiếp tục bỏ trốn khỏi trại giam

Phạm nhân Triệu Quân Sự tiếp tục bỏ trốn khỏi trại giam

Về việc giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 42 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định, khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải tổ chức truy bắt ngay, báo cáo về cơ quan quản lý thi hành án hình sự và thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện phạm nhân bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt.

Như vậy, khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam phải tổ chức truy bắt ngay, báo cáo về cơ quan quản lý thi hành án hình sự và thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Trong 24 giờ kể từ khi phát hiện phạm nhân bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì Giám thị trại giam phải ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, về việc xử lý đối với phạm nhân bỏ trốn, Điều 43 Luật Thi hành án hình sự 2019 nêu rõ, phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức: Khiển trách; Cảnh cáo; Giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày.

Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, phạm nhân không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân.

Trường hợp hành vi vi phạm của phạm nhân có dấu hiệu của tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Giám thị trại giam thì Giám thị trại giam ra quyết định khởi tố vụ án.

Trường hợp hành vi vi phạm của phạm nhân đang giam giữ tại trại tạm giam, nhà tạm giữ Công an cấp huyện có dấu hiệu của tội phạm thì Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện kiến nghị cơ quan điều tra có thẩm quyền khởi tố theo quy định của pháp luật.

Còn theo Điều 386 BLHS 2015 về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử, người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm. Phạm tội có tổ chức hoặc dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm tù.

“Được biết, Triệu Quân Sự bỏ trốn khi đang thi hành án tù chung thân. Trường hợp bị bắt lại và có đủ căn cứ bị xử lý thêm về các tội danh khác, theo quy định về tổng hợp hình phạt, nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân. Còn nếu trong quá trình bỏ trốn, đối tượng này phạm tội khác có hình phạt cao nhất là tử hình thì tổng hợp hình phạt sẽ là tử hình" - Luật sư Hồng Vân nhận định.