Từ vụ rao bán tiền giả, giao tiền âm phủ: Biết tiền giả nhưng vẫn đặt mua sẽ bị xử lý ra sao?

ANTD.VN - Sau khi đường dây sử dụng tiền âm phủ lừa bán tiền giả thu lợi bất chính hơn 6 tỉ đồng ở Lâm Đồng bị triệt phá, nhiều người đặt câu hỏi, người đặt mua tiền giả có phạm pháp?

Mới đây, Công an TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 14 đối tượng để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 1/2024 đến nay, các đối tượng đã tạo nhiều tài khoản Facebook ảo rồi chạy quảng cáo rao bán tiền giả với cách thức quy đổi từ tiền thật sang tiền giả như sau: 200.000đ tiền thật = 5 triệu đồng tiền giả; 250.000đ tiền thật = 10 triệu đồng tiền giả; 300.000đ tiền thật = 15 triệu đồng tiền giả; 400.000 đ tiền thật = 16 triệu đồng tiền giả và 450.000đ tiền thật = 22 triệu đồng tiền giả. Khi đặt mua tiền giả, khách hàng không cần đặt cọc tiền, mà chỉ cần cung cấp số điện thoại và địa chỉ nhận hàng.

Tiền âm phủ được dán lên bề mặt hộp kiện hàng giao cho khách mua tiền giả để lừa đảo

Thực chất các đối tượng rao bán tiền giả, nhưng khi đóng gói giao cho khách hàng thì bên trong không có tiền giả mà chỉ là các vật dụng như bột khử mùi, bột xi măng… Trong 6 tháng, đường dây này đã giao thành công hơn 23.000 đơn hàng trong cả nước và chiếm đoạt số tiền hơn 6 tỉ đồng.

Liên quan đến sự việc trên, điều được nhiều người quan tâm là những cá nhân biết rõ các đối tượng rao bán tiền giả nhưng vẫn đặt mua dù thực tế không nhận được tiền giả có vi phạm pháp luật?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Điều 17 Luật Ngân hàng nhà Nước Việt Nam 2010, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của Việt Nam.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 3 Nghị định 87/2023/NĐ-CP cũng nêu rõ, tiền giả được hiểu là vật phẩm có một mặt hoặc hai mặt mô phỏng hình ảnh, hoa văn, màu sắc, kích thước của tiền Việt Nam để được chấp nhận giống như tiền Việt Nam, không có hoặc giả mạo các đặc điểm bảo an, không do Ngân hàng Nhà nước phát hành hoặc là tiền Việt Nam bị thay đổi, cắt ghép, chỉnh sửa để tạo ra tờ tiền có mệnh giá khác so với nguyên gốc.

Như vậy, tiền giả là tiền được làm giống như tiền thật nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức in, đúc, phát hành.

Còn theo khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 18 của Luật An ninh mạng, hành vi rao bán tiền giả trên mạng Internet là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý phạt cải tạo, phạt tiền, phạt tù theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

4 đối tượng trong đường dây lừa bán tiền giả quy mô lớn bị Công an TP Bảo Lộc bắt giữ

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, sử dụng tiền giả là hành vi dùng tiền giả thay thế cho tiền thật, thực hiện các hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông trong các hoạt động hằng ngày, đưa tiền giả sử dụng rộng rãi từ người này qua người khác, từ nơi này sang nơi khác.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng có hành hành vi sử dụng tiền giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 207 BLHS 2015 về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Theo đó, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân.

Bên cạnh đó, theo Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam, người nào có hành vi phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ thì bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng và bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.