Từ vụ khởi tố vợ chồng chủ shop quần áo ở Thanh Hóa: Đòi bồi thường thế nào cho đúng luật?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ khởi tố vợ chồng chủ shop quần áo Mai Hường bạo hành nữ sinh ở Thanh Hóa nhiều người đặt câu hỏi: Khi bắt quả tang đối tượng trộm cắp tài sản cần đòi bồi thường như thế nào cho đúng luật?

Trước hết cần khẳng định, trộm cắp tài sản là vi phạm pháp luật. Điều 173 BLHS 2015 sửa đổi về Tội trộm cắp tài sản nêu rõ, người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo quy định trên có thể chia ra 2 trường hợp: Người trộm tài sản của người khác trị giá trên 2 triệu đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản. Nếu giá trị tài sản lấy trộm dưới 2 triệu đồng mà không thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 173 sẽ chỉ chịu trách nhiệm hành chính theo điểm a, khoản 1, Điều 15 Nghị định 167/2013 với mức phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng.

Như vậy, tùy theo giá trị của tài sản bị trộm cắp thì người phạm tội có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự - Luật sư Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết. Điều này cũng sẽ được áp dụng trong vụ nữ sinh Thanh Hóa bị vợ chồng chủ shop quần áo Mai Hường bạo hành.

Nữ sinh trộm váy 160.000 đồng bị vợ chồng chủ shop quần áo ở Thanh Hóa làm nhục (ảnh cắt từ clip)

Nữ sinh trộm váy 160.000 đồng bị vợ chồng chủ shop quần áo ở Thanh Hóa làm nhục (ảnh cắt từ clip)

Về trách nhiệm bồi thường đối với đối tượng trộm cắp tài sản, theo Điều 584 BLDS 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Do vậy, việc trộm cắp tài sản là hành vi xâm phạm đến tài sản của người khác nên nếu gây ra thiệt hại phải bồi thường.

Mức bồi thường dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên, có thể bồi thường bằng tiền, hiện vật. Trường hợp không thỏa thuận được có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc bồi thường không căn cứ vào giá trị tài sản là bao nhiêu mà căn cứ vào yếu tố có “gây ra thiệt hại” hay không. Việc gây ra thiệt hại này có thể là thiệt hại về tinh thần, thiệt hại vật chất căn cứ theo Điều 585 BLDS 2015.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, tương tự vụ vợ chồng chủ shop quần áo Mai Hường ở Thanh Hóa bạo hành nữ sinh trộm váy, điều đáng nói là không ít người sau khi bắt được kẻ trộm đã đe dọa, yêu cầu người phạm tội phải bồi thường cho mình một số tiền lớn hơn nhiều lần so với giá trị của món đồ bị trộm. Tuy vậy, theo quy định của BLHS 2015, hành vi này có dấu hiệu của Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170.

Để tránh tình trạng tự đẩy mình vào vòng lao lý, giải quyết cái sai này bằng một cái sai khác, chủ tài sản khi phát hiện sự việc phải trình báo với cơ quan công an. Trường hợp ngoài việc nhận lại tài sản có yêu cầu bồi thường thiệt hại, chủ sở hữu phải thực hiện khởi kiện tại tòa án chứ không nên có những hành vi như đánh đập, chửi bới, xúc phạm hay đe dọa đòi tiền bồi thường đối với kẻ trộm.

Việc kẻ trộm bồi thường cho chủ sở hữu không phải là căn cứ miễn trách nhiệm hình sự mà chỉ là căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trộm cắp là hành vi trái pháp luật và đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định. Chủ sở hữu tài sản có quyền đòi lại tài sản hoặc tiền, hiện vật có giá trị tương đương với tài sản đã bị trộm. Nếu muốn được bồi thường thiệt hại, chủ sở hữu phải làm đơn yêu cầu Tòa án chứ không thể thông qua bạo lực để yêu cầu" - Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.