Từ vụ khởi tố, bắt Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Cần nghiêm trị để đảm bảo sự minh bạch của thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết vừa bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán" đã gây xôn xao dư luận. Đáng buồn, đây không phải sự việc hi hữu. Trước đó, không ít “đại gia” cũng đã phải vào tù do có những sai phạm tương tự.

Từ bán chui cổ phiếu, thao túng giá đến lừa đảo

Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Trịnh Văn Quyết đã từng bị xử phạt hành chính 2 lần vì bán chui cổ phiếu khiến nhà đầu tư chao đảo.

Tháng 11-2017, ông Quyết đã bán 57 triệu cổ phiếu nhưng không báo cáo thông tin giao dịch với Ủy ban chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Giá trị giao dịch thu về ước tính đạt hơn 400 tỷ đồng. Với hành vi này, ông Quyết bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước phạt 65 triệu đồng.

Đến tháng 1-2022, ông Quyết bị phát hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC song không công bố thông tin. Sau đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này - biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Quyết đã bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt 1,5 tỷ đồng - mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng.

Trước đó, không ít “đại gia” đã phải ngồi tù về hành vi lừa đảo, thao túng giá chứng khoán. Tháng 5-2019, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án thao túng giá chứng khoán ra xét xử. Bị cáo là ông Trần Hữu Tiệp (cựu Chủ tịch HĐQT công ty CP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung - công ty MTM) và 14 đồng phạm.

Theo cáo trạng, năm 2010, ông Nguyễn Văn Dĩnh (SN 1965, cựu GĐ công ty CP khoáng sản Nari Hamico) mua lại hồ sơ pháp lý của công ty MTM do bị cáo Tiệp là Chủ tịch HĐQT.

Song về thực chất, MTM không hoạt động, không có vốn, nhưng ông Dĩnh chỉ đạo người khác làm giả báo cáo tài chính, hồ sơ hoạt động, sản xuất kinh doanh... để lừa dối các cơ quan chức năng đăng ký là công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu MTM trên thị trường chứng khoán.

Các bị cáo tại phiên tòaCác bị cáo tại phiên tòa

Khi ông Dĩnh bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, trốn thuế... công ty MTM rút hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Sau đó, ông Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công đã thỏa thuận với vợ ông Dĩnh để nhận hồ sơ pháp lý của công ty MTM và tiếp tục làm thủ tục đăng ký giao dịch chứng khoán.

Thời điểm vụ việc bị phát hiện có 1.156 người đứng tên sở hữu cổ phiếu “ảo” của doanh nghiệp này.

Ông Trần Hữu Tiệp và đồng phạm đã thực hiện các hành vi gian dối lừa đảo, thao túng cổ phiếu MTM, gây thiệt hại hơn 56 tỷ đồng. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Tiệp án tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai bị cáo khác 30 tháng tù treo vì tội Thao túng giá chứng khoán…

Một năm sau, tháng 5-2020, TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa xét xử vụ thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại công ty CP công nghiệp và khoáng sản Bình Thuận (KSA).

HĐXX tuyên án phạt Phạm Thị Hinh (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT công ty KSA, cựu Chủ tịch HĐQT công ty CP chứng khoán VSM) 18 tháng tù; Nguyễn Anh Tuấn (SN 1981), Trần Hồng Ngọc (SN 1981) và Nguyễn Trọng Hùng (SN 1979, đều ở Hà Nội) 15 tháng tù treo về cùng tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư tham gia giao dịch cổ phiếu KSA, với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng, làm 3 công ty chứng khoán bị thiệt hại 761 triệu đồng.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Vân Giang (cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV chứng khoán Ngân hàng Đông Á - Công ty DAS) cũng phải nhận 17 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 3 năm tù vì tội Thao túng giá chứng khoán.

Đối tượng Giang đã dùng 70 tài khoản chứng khoán tạo giao dịch mua bán chéo giữa các tài khoản, nhằm đẩy giá cổ phiếu CDO, sau đó đột ngột bị bán tháo với giá sàn. Hành vi này gây thiệt hại cho 572 nhà đầu tư với trên 11 tỷ đồng.

Cần nghiêm trị để răn đe

Phân tích các vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, thao túng thị trường chứng khoán là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán 2019 nghiêm cấm việc sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình, hoặc của người khác hoặc, thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.

Lực lượng chức năng làm việc tại trụ sở FLCLực lượng chức năng làm việc tại trụ sở FLC

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020 cũng nêu rõ, “thao túng thị trường chứng khoán” là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, gồm:

Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm, nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Người thực hiện hành vi trên nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thao túng thị trường chứng khoán theo Điều 211 BLHS 2015. Theo đó, hình phạt chính với tội này là phạt tù từ 6 tháng - 7 năm.

Ngoài ra, tổ chức cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung, đó là bị phạt tiền từ 50 - 250 triệu đồng; Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Nếu chưa đến mức xử lý hình sự, theo Điều 36 Nghị định 156/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 128/2021, vi phạm thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật, nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Ngoài ra, tổ chức cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán từ 1-3 tháng với công ty chứng khoán; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán từ 18 - 24 tháng; Buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được.

Hiện chứng khoán là một kênh đầu tư hấp dẫn, ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Lợi dụng điều này, có không ít công ty phát hành chứng khoán đã tự tạo ra cung cầu giả trên thị trường, thao túng thị trường chứng khoán để trục lợi. Để đảm bảo quyền và lợi ích của các nhà đầu tư, sự minh bạch của thị trường, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm, nhằm đảm bảo tính răn đe - Luật sư Thu đề xuất.