- Khi rất khó kiểm soát...
- Nguy cơ chết người từ việc nuôi chó dữ
- Chó pitbull tấn công, cắn chết người: Ai chịu trách nhiệm?
Theo thông tin ban đầu, trong lúc bé T đi ngang qua khu vực sân vận động Kim Động cũ (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, Hưng Yên) bất ngờ bị một đàn chó lao vào tấn công. Dù những người dân tại khu vực đã đánh đuổi đàn chó và nhanh chóng chuyển cháu bé lên bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, cháu T đã không qua khỏi. Được biết, đàn chó là của gia đình chủ nhà nơi gia đình cháu T ở trọ.
Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Thời gian qua đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn thương tâm mà nguyên nhân là do bị chó tấn công. Sau những vụ việc này, không ít người đã bị tổn hại sức khỏe khá nặng, thậm chí mất mạng. Tuy vậy, việc nuôi và thả rông chó vẫn diễn ra khá phổ biến tại đô thị và khu vực nông thôn.
Hiện trường vụ chó cắn chết bé trai tại Kim Động, Hưng Yên
Thực tế cho thấy, nếu không nuôi chó đúng cách, quản lý thiếu chặt chẽ, chó nuôi có thể trở thành mối nguy hại cho người khác. Khi hậu quả xảy ra, chủ chó có thể bị phạt tiền, có trách nhiệm bồi thường, thậm chí phải ngồi tù - Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y nêu rõ, chủ nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. Đối với trường hợp người thả rông chó trong thành phố, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt từ 100.000 – 1.000.000 đồng.
Nếu chó thả rông cắn người, chủ nuôi phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị chó cắn. Điều 603 BLDS 2015 quy định, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Như vậy, chủ của con chó cắn người phải bồi thường thiệt hại cho sức khỏe của người bị cắn như chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, chức năng bị mất, bị giảm sút và mức thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút của người bị chó cắn. Trường hợp chó cắn chết người thì người nuôi chó đó phải bồi thường phí cho việc cứu chữa, chi phí mai táng, tiền cấp cấp dưỡng và tiền bù đắp tổn thất tinh thần.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, ngoài việc bồi thường dân sự, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, chủ sở hữu để chó cắn chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu chủ chó không mong muốn có hậu quả xảy ra nhưng do cẩu thả trong việc quản lý, nuôi thả chó gây ra hậu quả chết người thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người.
Trường hợp chủ chó nuôi nhận thức rõ về sự nguy hiểm của chó nuôi, mong muốn hậu quả gây thương tích cho người bị cắn xảy ra; dù không mong muốn hậu quả chết người nhưng thực tế gây hậu quả chết người đã xảy ra thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích.
Còn nếu chủ chó nhận thức rõ về sự nguy hiểm của chó nuôi, mong muốn hậu quả chết người xảy ra và thực tế hậu quả chết người đã xảy ra thì người này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người.