Từ ngày 1/7/2025, thu nhập tính đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thế nào?

ANTD.VN - Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có nhiều thay đổi liên quan đến các chế độ bảo hiểm xã hội, trong đó bao gồm cả quy định về thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

Cùng với đó, Điều 7 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định mức tham chiếu là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Mức tham chiếu này do Chính phủ quyết định.

Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo nông thôn, và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Bên cạnh đó, Điều 104 của Luật mới cũng quy định mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, được tính bằng bình quân các mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng.

Thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, theo quy định chuyển tiếp tại khoản 13 Điều 141 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở, thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ, thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm: Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng.

Các đối tượng sau đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian này, bao gồm:

Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, bao gồm cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác, nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên; cán bộ, công chức, viên chức.

Người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định trên, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách Nhà nước từng thời kỳ, Chính phủ quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo Luật mới, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây: Hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần. Đóng một lần cho nhiều năm về sau với số tiền đóng thấp hơn số tiền đóng theo mức quy định.

Đóng một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu, với số tiền đóng cao hơn số tiền đóng theo mức quy định.

Thời hạn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động được quy định như sau: Trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng; trong 3 tháng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần; trong 4 tháng đầu đối với phương thức đóng 6 tháng một lần; và trong 7 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.