Từ lời mời góp vốn “trợ duyên” đến cuộc lật mặt tập đoàn lừa đảo Triệu nụ cười

ANTD.VN - Từ thông tin có cá nhân đang kêu gọi đầu tư góp vốn thông qua việc “trợ duyên” mua đồng tiền ảo QFS, các cán bộ Phòng An ninh kinh tế (CATP Hà Nội) đã bóc gỡ tập đoàn lừa đảo mang tên “Triệu nụ cười”.

Cơ quan An ninh điều tra làm việc với những người liên quan tại Công ty Cổ phần Triệu nụ cười

Những dấu vết đầu tiên

Tháng 7-2024, Đội An ninh tiền tệ, Phòng An ninh kinh tế tiếp nhận nguồn tin về việc Công ty Cổ phần Triệu nụ cười với người đại diện pháp lý là Hồ Quốc Thân (SN 1992, trú tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) thông qua nền tảng Zoom đã giới thiệu về một đồng tiền ảo khá kỳ bí mang tính chất tâm linh được gọi là QFS TNCVN. Ngoài Hồ Quốc Thân, lãnh đạo công ty như Ngô Hùng Cường - Phó Tổng Giám đốc khối hành chính tổng hợp, Đặng Hữu Mỳ - Phụ trách khối lượng tử QFS, Đặng Đỗ Thu Nga - Phó Tổng Giám đốc truyền thông; Hồ Phương Thảo - Phó Tổng Thanh tra nội bộ; Bùi Hoàn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách thương mại, Võ Thị Thanh Vân - Kế toán trưởng cũng đăng đàn nói về đồng tiền này, đồng thời chia sẻ các cá nhân, doanh nghiệp muốn tham gia vào hệ sinh thái Triệu nụ cười có thể “đăng nhập” bằng cách mua đồng tiền này.

Mức giá mà các đối tượng đưa ra là từ 4 - 5 triệu đồng/QFS cho cá nhân và 39 triệu đồng/QFS cho doanh nghiệp. Các đối tượng quảng cáo đồng QFS được bảo chứng bằng… di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10 và 11-2024 tại Việt Nam; Chủ tịch Hồ Quốc Thân đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn… Tham gia vào hệ sinh thái Triệu nụ cười, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Nếu vì bất kỳ lý do nào, cá nhân, doanh nghiệp không muốn tiếp tục tham gia cùng công ty thì Thân sẽ trả lại tiền. Đến nay đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đang đồng hành cùng Thân và Công ty Cổ phần Triệu nụ cười bằng hình thức mua đồng QFS. Ước tính số tiền mua đồng QFS của các cá nhân, doanh nghiệp đã lên tới hàng chục tỷ đồng...

Khi nắm được những thông tin này, Đội An ninh tiền tệ đã nhận thấy những dấu hiệu không bình thường. Thiếu tá Thiều Quang Hiếu - cán bộ Đội An ninh tiền tệ cho hay, thực tế ở Việt Nam hiện nay tiền ảo không được công nhận nên việc phát hành một đồng tiền phải mua bằng tiền Việt Nam thì dễ có dấu hiệu của hành vi lừa đảo. Từ đó, các trinh sát đã báo cáo chỉ huy đơn vị, Ban Giám đốc CATP Hà Nội tổ chức xác minh điều tra.

Sự hào nhoáng của kẻ lừa đảo

Hồ Quốc Thân từng làm trong ngành truyền thông nên rất biết cách đánh bóng tên tuổi thông qua những clip được đăng tải trên mạng xã hội. Trung tá Nguyễn Đắc Tài - Đội trưởng Đội An ninh tiền tệ cho hay, khi tìm kiếm thông tin về Công ty Triệu nụ cười, chúng tôi nhận thấy họ xây dựng hình ảnh một tập đoàn an sinh, vì lợi ích của người dân bằng hình thức mở chuỗi cửa hàng dân sinh Triệu nụ cười và trong thời gian ngắn đã đưa 36 cơ sở đi vào hoạt động. Các cửa hàng này kinh doanh sản phẩm tiêu dùng như thực phẩm, hàng tạp hóa... Công ty phát hành “Thẻ an sinh” với số tiền trả trước là 2,6 triệu đồng, trong thời gian 1 năm khách hàng có thể đến mua hàng ưu đãi, miễn phí với số tiền 500.000 đồng/tuần (vào thứ bảy, chủ nhật). Thẻ không giới hạn về địa lý và có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ khi mua thẻ.

Thông qua những buổi livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube và có lịch họp online trên môi trường Zoom với sự góp mặt của nhiều người đến từ các tỉnh, thành phố khác nhau, công ty này sử dụng lời giảng của phật pháp để giới thiệu, đề cập đến câu chuyện an sinh, một lòng hướng thiện, lan tỏa thông tin về hoạt động của họ tới nhiều người trong cộng đồng. “Tuy nhiên, tất cả những thứ hào nhoáng và có vẻ thiện lương ấy đều nhằm mục đích tạo niềm tin cho khách hàng (là cá nhân và doanh nghiệp) rằng, họ được “trợ duyên” để mua đồng tiền ảo QFS” - Thiếu tá Thiều Quang Hiếu cho biết.

Hồ Quốc Thân tại thời điểm bị cơ quan công an khống chế

Cuộc vây bắt những kẻ lừa đảo

Đại tá Trần Xuân Thành - Trưởng phòng An ninh kinh tế cho hay, sau nhiều tháng điều tra, đơn vị đã khẳng định Công ty Cổ phần Triệu nụ cười do Hồ Quốc Thân đứng đầu cùng lời mời chào “trợ duyên” mua đồng QFS là những kẻ lừa đảo. Chỉ huy Phòng An ninh kinh tế đã trao đổi với Phòng An ninh điều tra và cùng báo cáo trực tiếp Đại tá Nguyễn Thành Long - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội để ngăn chặn Công ty Cổ phần Triệu nụ cười tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, họp nhóm nhằm phát hành đồng tiền vô giá trị QFS.

Từ nhiều nguồn tin khác nhau, cơ quan công an nắm được thông tin ngày 24-12-2024, Hồ Quốc Thân tổ chức buổi giao lưu gặp mặt tại một nhà hàng sang trọng trên địa bàn xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) với sự tham gia của hàng trăm khách hàng. Đây hầu hết là những người đầu tư đã được Thân và cộng sự tuyên truyền trên nhóm Zoom từ trước. Họ đều là trung niên và người già, đến từ nhiều tỉnh thành phố khác nhau, tập trung ở những nơi đã có hệ thống cửa hàng dân sinh Triệu nụ cười. Đại tá Nguyễn Thành Long đã chỉ đạo lực lượng An ninh điều tra phối hợp với An ninh kinh tế, Cảnh sát cơ động, Công an huyện Hoài Đức và các phòng nghiệp vụ có liên quan tập trung lực lượng, đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, khống chế những đối tượng cầm đầu, ngăn chặn việc mua đồng QFS, giảm thiệt hại tối đa cho nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị thuộc CATP đã nhận lệnh lên đường. Phóng viên An ninh Thủ đô cũng có mặt trong một mũi truy bắt đối tượng.

Tại khu vực diễn ra buổi gặp gỡ, giao lưu, rất nhiều xe ô tô chở các đoàn khách đến bắt tay “chủ tịch Thân” để nghe giảng về những triết lý nhân sinh trên đời. Phương án đón bắt liên tục được thay đổi. Từ việc dự kiến khống chế Hồ Quốc Thân tại hội trường tổ chức tiệc đã được chuyển sang phương án bắt giữ ngay khi đối tượng ngồi với một nhóm tại quán cà phê trước giờ diễn ra buổi gặp gỡ. Khác với những thành viên công ty cũng có mặt tại đây, Hồ Quốc Thân luôn miệng khẳng định mình không vi phạm pháp luật, định chống đối cơ quan chức năng, nhưng cuối cùng cũng phải cúi đầu trước những bằng chứng mà Cơ quan An ninh điều tra đưa ra.

Thượng tá Trần Văn Dũng - Phó Trưởng phòng An ninh điều tra chia sẻ, cho đến khi có lệnh khám công ty, nơi ở của Hồ Quốc Thân, Cơ quan An ninh điều tra luôn khuyến cáo những người tham gia buổi gặp gỡ ngày 24-12-2024 rằng họ đang là bị hại của một vụ lừa đảo, nhưng người dân vẫn không tin. Họ còn cho rằng Thân là một người hướng thiện. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Công ty Cổ phần Triệu nụ cười thành lập lần đầu ngày 13-12-2023, nhưng đến ngày 31-7-2024, công ty vẫn chưa đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử với cơ quan thuế và chưa đăng ký nộp Bảo hiểm xã hội, trong khi các cửa hàng dân sinh Triệu nụ cười đã đi vào hoạt động, kinh doanh hàng hóa. Sau khi huy động các cá nhân và doanh nghiệp mua đồng tiền ảo QFS, hiện Hồ Quốc Thân đã dừng việc phát hành đồng tiền này. Kết quả xác minh về dòng tiền trong tài khoản của Hồ Quốc Thân và Công ty Cổ phần Triệu nụ cười chủ yếu đến từ hoạt động “trợ duyên” qua đồng QFS. Khi có tiền chuyển vào, Thân tiếp tục chuyển khoản đến các tài khoản của nhiều cá nhân khác nhau và sử dụng với nhiều mục đích phục vụ chi phí hoạt động của công ty, mở thêm chuỗi cửa hàng dân sinh, trả nợ… Ngoài ra, Thân không có khoản tiền nào lớn như chính đối tượng và các nhân viên đã đưa ra trong các buổi họp Zoom online, hoặc để làm bảo chứng cho đồng QFS.

Đây là chiến công xuất sắc của lực lượng An ninh CATP Hà Nội đã phối hợp giữa nhiều đơn vị, ngăn chặn kịp thời tổ chức lừa đảo bằng hình thức kêu gọi đầu tư vào đồng tiền ảo QFS, chưa dẫn đến việc đổ vỡ hệ thống và bị hại mới dừng ở khoảng 500 cá nhân, doanh nghiệp.