"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín": Cuốn tiểu thuyết có góc nhìn khác về cuộc chiến tranh Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau thành công của "Đất trời vần vũ" và "Ngược mặt trời", nhà văn Nguyễn Một đã vừa ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết thứ 3 - "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" viết về cuộc chiến tranh Việt Nam với một góc nhìn khác, góc nhìn của người dân bình thường.

Tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” là câu chuyện chân thực về cuộc tình của một chàng trai nông thôn trốn lính lên thành phố rồi đem lòng yêu một cô bé ở vùng ven phố thị. Câu chuyện tình của họ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến đang trong giai đoạn rực lửa. Tuy nhiên, suy cho cùng đây không phải là một tiểu thuyết diễm tình, bởi xung quanh mối tình này còn chằng néo hàng loạt mối quan hệ với những nhân vật, những con người mang thân phận khác nhau. Và bao trùm lên số phận mỗi nhân vật là vận mệnh của đất nước khi đang bị chia cắt bởi cuộc chiến lịch sử. Sơn - nhân vật chính, luôn bị giằng xé bởi tình cảm, bởi lý trí, khi anh ta không đứng về bên nào cả trong cuộc chiến này.

Nhà văn Nguyễn Một chia sẻ tại Lễ ra mắt tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín".

Nhà văn Nguyễn Một chia sẻ tại Lễ ra mắt tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín".

“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” với ma trận ngôn ngữ của mình đã bày binh bố trận với rất nhiều tuyến nhân vật, ở rất nhiều phía khác nhau trong cuộc chiến. Các tuyến nhân vật đan xen, bổ trợ cho nhau, để kể những câu chuyện khác nhau về thân phận con người ở cả phe ta và phe địch. Bằng ngôn ngữ gai góc, dữ dội, tác giả Nguyễn Một đã tái hiện lại chân thực về cuộc chiến ở giai đoạn thảm khốc.

Nhà văn Nguyễn Một chia sẻ về đứa con tinh thần của mình: "Trong quá khứ, không một gia đình Việt Nam nào không bị chia cắt, ảnh hưởng bởi chiến tranh. Tôi cũng mất mẹ khi vừa 4 tuổi. Vì thế, thông điệp tôi muốn gửi tới độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ qua cuốn tiểu thuyết này là biết về quá khứ, để trân trọng và ứng xử với tương lai".

Về cuốn tiểu thuyết thứ ba của nhà văn Nguyễn Một, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, đây là cuốn tiểu thuyết trọn vẹn về chiến tranh nhưng với cách nhìn khác và mới mẻ hơn. Trong tiểu thuyết, người trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là người Mỹ hầu như không hiện diện. Nguyễn Một thông qua sự xuất hiện dày đặc các nhân vật trong tiểu thuyết khiến cho người đọc liên tưởng đến một xã hội thu nhỏ, mỗi một nhân vật, từ người bình thường, người lính, đứa trẻ con cho đến những người có vị trí nào đó khi chiến tranh đi qua họ thì tất cả tính cách, con người, số phận, nỗi giày vò của họ được hiện lên. Có thể nói rằng, chiến tranh đi qua và xé nát tất cả cuộc đời các nhân vật trong đó: tình yêu, quan hệ, gia đình, những giấc mơ và bao nhiêu điều khác nữa. Cách viết của Nguyễn Một đẩy người đọc vào trong chính cuộc chiến này như họ chính là nạn nhân, là người tham gia chống lại cuộc chiến... dù không tham dự trực tiếp vào cuộc chiến này.

100 bản đặc biệt được in ấn, hoàn thiện công phu bằng chất liệu giấy mỹ thuật và 16 bức minh họa màu chính là lời tri ân mà tác giả dành tặng cho các độc giả thân thiết.
100 bản đặc biệt được in ấn, hoàn thiện công phu bằng chất liệu giấy mỹ

thuật và 16 bức minh họa màu chính là lời tri ân mà tác giả dành tặng

cho các độc giả thân thiết.

Nhà báo Yên Ba, người đã tiếp xúc với cuốn tiểu thuyết từ lúc còn là bản thảo sơ khai cho rằng, nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này khá lạ. Là một nhân vật không ác, không thiện. Cuốn sách trải dài theo chiều lịch sử trong giai đoạn đau thương của đất nước. Ở đó, sự vô minh của con người trong thời chiến và số phận con người trở nên nhỏ bé trong cuộc chiến vô tri được nhấn mạnh bằng một thủ pháp hoàn toàn khác hai tiểu thuyết trước của Nguyễn Một.

Cuốn tiểu thuyết với bản in phổ thông

Cuốn tiểu thuyết với bản in phổ thông

Cũng tại buổi ra mắt sách, nhiều đồng nghiệp văn chương đã tỏ ra bất ngờ với ngòi bút của Nguyễn Một với sự biến hóa linh hoạt cũng như "đa tài". Nếu khi gặp ngoài đời, nhà văn rất hài hước hẳn nhiều người sẽ nghĩ văn chương của Nguyễn Một cũng sẽ có nhiều tiếng cười. Nhưng ngược lại, trong văn chương Nguyễn Một lại để lại rất nhiều khoảng trống để độc giả phải suy tư, ngẫm ngợi hơn là sự hài hước.

Nhà văn Nguyễn Một (1964) còn có bút danh là Dạ Thảo Linh khi viết những cuốn sách dành cho thiếu nhi như "Hoa dủ dẻ", "Năm đứa trẻ xóm đồi", "Long lanh giọt nắng", "Múa trái chín"… là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết. Truyện ngắn "Trước mặt là dòng sông" từng được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim truyền hình. Tiểu thuyết "Đất trời vần vũ" được giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội nhà văn 2010, cũng được dịch và đưa vào thư viện Quốc hội Mỹ.