- Mua bán hóa đơn online gia tăng: Tổng cục Thuế yêu cầu thu thập thông tin, cung cấp cho cơ quan công an
- Hộ kinh doanh than về chi phí khi xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, Bộ Tài chính nói gì?
- Công bố danh sách 113 doanh nghiệp bán trái phép hóa đơn
Những đối tượng sẽ bị cảnh báo
Theo dữ liệu của Tổng cục Thuế, lũy kế đến cuối tháng 10, số lượng hóa đơn điện tử (HĐĐT) cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 10,58 tỷ hóa đơn, trong đó 2,59 tỷ hóa đơn có mã; hơn 6,97 tỷ hóa đơn không mã; hơn 1,97 triệu hóa đơn theo lần phát sinh và hơn 01 tỷ HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.
Lũy kế từ khi triển khai đến hết tháng 10/2024 đã có 86.170 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, đạt 46,4% số cơ sở kinh doanh có ngành nghề kinh doanh chính thuộc diện triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.
Dù vậy, tình trạng gian lận hóa đơn điện tử vẫn diễn biến phức tạp. Trước thực trạng đó, ngành Thuế đã triển khai Ứng dụng cảnh báo xuất hóa đơn điện tử nhằm phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc sử dụng HĐĐT.
Theo Tổng cục Thuế, ứng dụng này giúp cơ quan thuế theo dõi các dấu hiệu bất thường, phát hiện các hành vi có thể dẫn đến gian lận về thuế. Đồng thời, ứng dụng cũng sẽ tự động gửi thông báo hàng ngày cho người nộp thuế là người bán thuộc danh sách cảnh báo sử dụng HĐĐT và có phát sinh HĐĐT trong ngày cảnh báo.
|
Ngành Thuế ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ nhận diện doanh nghiệp rủi ro về thuế |
Những đối tượng bị cảnh báo chủ yếu là các doanh nghiệp và hộ kinh doanh có đăng ký sử dụng HĐĐT và giá trị hàng hóa dịch vụ bán ra vượt quá giá trị hàng hóa dịch vụ mua vào (gồm giá trị hàng tồn kho, hàng nhập khẩu và giá trị mua vào trên HĐĐT).
Qua thời gian triển khai, ứng dụng đã hỗ trợ đáng kể cơ quan Thuế trong việc đưa ra nhận định về người nộp thuế có nhiều dấu hiệu nghi ngờ gian lận khi sử dụng hóa đơn để đưa vào kiểm tra, thanh tra thông qua việc rà soát, xử lý của công chức thuế đối với danh sách người nộp thuế thuộc diện cảnh báo.
Những dấu hiệu bất thường như bán hàng mà không có ghi nhận hàng tồn kho thực tế hoặc phát hành hóa đơn với giá trị hàng hóa bán ra quá lớn so với hàng hóa hiện có, xuất hóa đơn với doanh thu của các ngành nghề không thuộc ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp… đã được cơ quan thuế phát hiện, giúp ngăn chặn kịp thời các hành vi phát hành hóa đơn khống hoặc hợp thức hóa các giao dịch bất hợp pháp.
Làm sao để tránh bị cảnh báo “nhầm”?
Căn cứ danh sách người nộp thuế thuộc diện cảnh báo sử dụng HĐĐT, cơ quan thuế sẽ áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ theo quy định nhằm kiểm soát và xử lý các trường hợp được đánh giá là có rủi ro cao. Các biện pháp chính bao gồm: Cảnh báo và yêu cầu giải trình; Rà soát và kiểm tra thực tế; Xác định việc được tiếp tục sử dụng hóa đơn hay không.
Đối với biện pháp xác định việc tiếp tục sử dụng hóa đơn hay không, trong trường hợp doanh nghiệp bị phát hiện có hành vi phát hành hóa đơn khống hoặc gian lận, cơ quan thuế chuyển sang cơ quan Công an để phối hợp điều tra hoặc có thể sử dụng biện pháp quyết định tạm ngừng việc sử dụng HĐĐT của doanh nghiệp liên quan để ngăn chặn hành vi vi phạm tiếp diễn.
Tuy nhiên, cơ quan Thuế thừa nhận, thực tiễn cho thấy, việc phân tích và cảnh báo rủi ro bằng công nghệ thông tin và thực hiện tự động trên cơ sở dữ liệu hiện có của người nộp thuế trên hệ thống ngành Thuế, nên việc hệ thống đưa ra cảnh báo có thể chưa phù hợp hoàn toàn với thực tế kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, doanh nghiệp cần xác định và cập nhật chính xác ngành nghề kinh doanh chính trên hệ thống thuế và nếu có thay đổi về ngành nghề, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục cập nhật với cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, điều này giúp hệ thống tính toán chính xác hệ số cảnh báo.
Về quản lý hàng tồn kho chính xác, doanh nghiệp phải đảm bảo rằng số liệu hàng tồn kho luôn được cập nhật thường xuyên và chính xác. Việc quản lý lỏng lẻo hoặc không khớp giữa hàng tồn kho và số liệu khai báo dễ dẫn đến bị cảnh báo sử dụng HĐĐT, đồng thời có thể bị xử lý vi phạm quy định.
Với báo cáo và giải trình, nếu nhận được cảnh báo từ cơ quan thuế cũng như yêu cầu giải trình theo quy định, doanh nghiệp cần cung cấp ngay các chứng từ chứng minh sự minh bạch trong kinh doanh. Các thông tin liên quan đến hóa đơn, hàng hóa, và doanh thu cần được giải trình đầy đủ và kịp thời.