Từ đề nghị của con trai bà Nguyễn Phương Hằng: Ai có quyền buộc giám định tâm thần với bị can?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi con trai riêng của bị can Nguyễn Phương Hằng đề nghị không giám định tâm thần đối với mẹ, điều được nhiều người quan tâm là theo quy định, ai có quyền buộc giám định tâm thần với bị can?

Được biết, cơ quan chức năng đã nhận được đơn từ con riêng của bà Nguyễn Phương Hằng là ông Nguyễn Quang Tuấn (33 tuổi, ở TP.HCM) về việc đề nghị không giám định tâm thần cho mẹ mình vì cho rằng điều này sẽ gây bất lợi cho bà.

Ông Tuấn cũng cho biết tình trạng sức khỏe tinh thần của bà Hằng hoàn toàn bình thường. Trước khi bị bắt, mẹ ông có uống thuốc để điều trị bệnh cao huyết áp, rối loạn lo âu…

Trong đó, bệnh rối loạn lo âu là một trong những bệnh lý về thần kinh nhưng không phải là loại bệnh lý làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và làm chủ hành vi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi livestream của mẹ ông.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại thời điểm bị bắt

Bà Nguyễn Phương Hằng tại thời điểm bị bắt

Về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, việc giám định hay không giám định tâm thần đối với bị can phụ thuộc vào đánh giá và quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng.

Khoản 1 Điều 206 BLTTHS 2015 nêu rõ, bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án.

Còn theo Điều 450 BLTTHS, sau khi nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, nếu có căn cứ cho rằng bị can không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Viện kiểm sát trưng cầu giám định pháp y tâm thần.

Căn cứ vào kết luận giám định, Viện kiểm sát có thể ra một trong các quyết định: Tạm đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; truy tố bị can ra trước tòa án…

Vì vậy, nếu cơ quan tiến hành tố tụng nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của bà Hằng thì buộc phải đi giám định và ngược lại. Điều này phụ thuộc vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Cũng theo luật sư Thu, việc người thân của bị can Nguyễn Phương Hằng đề nghị giám định hay không giám định tâm thần cho bị can này chỉ mang tính, tham khảo, quyền quyết định vẫn thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng.

Tùy từng giai đoạn tố tụng mà cơ quan điều tra, VKS, tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.