Du khách đến với vịnh Hạ Long năm nay chưa kịp thưởng lãm thắng cảnh vừa được vinh danh là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới cũng như lễ hội Carnaval sôi động thì đã bị choáng khi bị “hét” giá phòng cao gấp 5-6 lần bình thường. Tại Bãi Cháy, Quảng Ninh tiền phòng lên tới 2,5 triệu đồng/ngày nhưng vẫn cháy phòng, đó là lý do khiến nhiều khách sạn công lẫn tư được đà "thổi” giá. Không chỉ phòng nghỉ mà giá thuê ghế ngồi ngoài bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa cũng tăng gấp 5 lần, ngày thường chỉ mất 20-30 nghìn đồng, giờ du khách phải trả tới 150.000/lần ngồi! Không chỉ vậy, nhiều loại hình dịch vụ khác cũng tranh thủ ăn theo. Một cuốc “xe ôm” chỉ khoảng hơn 1km từ khách sạn ra đến bãi biển mà du khách phải trả tới 30 nghìn đồng.
Không chỉ các điểm du lịch mới xuất hiện tình trạng "chặt chém” mà hiện tượng này có mặt ở hầu khắp các địa điểm có du khách viếng thăm. Chẳng hạn, giá đi cáp treo Bà Nà từ 320.000 đồng/khách tăng lên 380.000 đồng/khách. Giá phòng của các tỉnh lân cận cũng tăng theo khoảng hai lần. Nhiều phòng khoảng 400.000 đồng/ngày tăng lên 800.000 đồng/ngày.... Tại nhiều nơi, du khách cảm thấy mình bị "móc túi", bị "chặt chém" và có cảm giác bị đối xử không công bằng, thiếu văn hóa ở cả những nơi được coi là điểm du lịch hấp dẫn.
Nếu nạn "chặt, chém” không được khắc phục nguy cơ mất khách sẽ hiện hữu, và việc các tour du lịch trong nước thua trên sân nhà là điều có thật. Hiện giá tour nội địa cao hơn nhiều so với giá tour đi Thái Lan, Campuchia. Một tour miền Trung khoảng 8 triệu đồng/khách (năm ngoái chỉ 5 triệu đồng) trong khi đi tour Campuchia dịp lễ cũng chỉ hết 4 triệu đồng. Nếu chúng ta cứ để tệ nạm "chặt, chém”, tăng giá tồn tại kéo dài thì chẳng khác gì cổ vũ người dân Việt Nam đi du lịch nước ngoài! Ở đó, giá cả dịch vụ được quản lý rất chặt chẽ, không hề có chuyện tăng vô tội vạ như ở các điểm du lịch tại Việt Nam. “Du lịch chặt chém” đã trở thành một vấn đề bức xúc, nhức nhối khá lâu nay không chỉ đối với du khách Việt Nam mà còn dẫn đến chuyện “một đi không trở lại” của các du khách nước ngoài song các cơ quan hữu trách vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Nạn chặt chém hủy hoại nền “công nghiệp không khói” của nước nhà ngày càng hoành hành?
Thực tế, cũng có những nơi chính quyền, người dân sở tại lại đem đến cho du khách những cảm giác thân thiện, thoải mái và lưu luyến khi chia tay. Đà Nẵng, Hội An là một ví dụ. Thế nhưng những cái “xấu” ở các địa phương khác đã bôi bẩn lên cả bộ mặt của du lịch Việt Nam. Và thiệt hại không chỉ đến với các địa phương mà thiệt hại cho cả ngành du lịch Việt Nam. Chính quyền sở tại, các nhà quản lý ở những nơi được coi là "điểm đến hấp dẫn" cần thấy trách nhiệm của mình đối với du khách. Nếu như có sự quan tâm đến tổ chức các dịch vụ chắc chắn, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những điều được coi là phản cảm trong một không gian văn hóa, du lịch.
Mùa hè, mùa du lịch, nghỉ dưỡng mới chỉ bắt đầu…