Từ 15/2: Quân nhân vắng mặt trái phép có thể bị tước danh hiệu quân nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thông tư 143/2023/TT-BQP về xử lý kỷ luật trong QĐND quy định, quân nhân vắng mặt trái phép mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền có thể bị tước danh hiệu quân nhân.

Theo Khoản 9 Điều 8 Thông tư 143/2023/TT-BQP, vắng mặt trái phép là hành vi vắng mặt ở đơn vị dưới 24 giờ từ 2 lần trở lên hoặc từ 24-72 giờ (3 ngày) đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; dưới 24 giờ từ 2 lần trở lên hoặc từ 24-168 giờ (7 ngày) đối với hạ sĩ quan, binh sĩ mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền.

Cũng theo Thông tư 143/2023/TT-BQP, về các hình thức kỷ luật đối với quân nhân có hành vi vắng mặt trái phép mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền: Người nào vắng mặt trái phép thì bị kỷ luật khiển trách.

Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức đến giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan: Là chỉ huy; Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm; Lôi kéo người khác tham gia; Trong sẵn sàng chiến đấu; Gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Quân nhân nếu tái phạm và đã bị xử lý kỷ luật hình thức cao nhất được quy định như trên thì bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc.

Trong khi đó theo quy định hiện hành (Thông tư 16/2020/TT-BQP), các mức hình thức kỷ luật đối với quân nhân có hành vi này chỉ gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm.

Ngoài ra, theo Điều 2 Thông tư 143/2023/TT-BQP, các đối tượng áp dụng các quy định liên quan đến xử lý kỷ luật trong QĐND gồm:

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (gọi chung là quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (gọi chung là công chức, công nhân và viên chức quốc phòng); các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Người làm việc trong tổ chức cơ yếu của Ban Cơ yếu Chính phủ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (gọi tắt là người làm việc trong tổ chức cơ yếu).

Lao động hợp đồng đang phục vụ trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ.

Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu hoặc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Dân quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đang đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội, trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật.

Học viên đào tạo sĩ quan dự bị tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội; công dân được trưng tập vào phục vụ trong Quân đội.

Người thôi phục vụ trong Quân đội, thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ nhưng vi phạm kỷ luật trong thời gian tại ngũ, làm việc đến mức phải xử lý kỷ luật.

Thông tư 143/2023/TT-BQP có hiệu lực thi hành từ 15/2.