Truyền thống đại đoàn kết vượt qua mọi thách thức, đem lại cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc

ANTD.VN - Kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống Mặt trận tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, sáng 14/11, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội đã cùng với đoàn công tác của thành phố tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn Thanh Hà, xã An Phú, huyện Mỹ Đức.

Cùng đi với đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội có đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức, đại diện CAH Mỹ Đức cùng các ban, ngành của thành phố... Ngay từ sáng sớm, nhân dân trong thôn phấn khởi, vui mừng, chuẩn bị cờ hoa đón chào đoàn đại biểu, cùng đến chung vui ngày hội đoàn kết tại địa phương ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Rực rỡ, vui tươi ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngay từ đầu đường dẫn vào xã An Phú, cờ hoa được nhân dân trang trí đủ sắc màu. Những lá cờ Tổ quốc được nhân dân trang trọng treo ở cổng, trên tường nhà, các lối đi, điểm rẽ trên dọc con đường liên xã.

Đường dẫn vào thôn Thanh Hà uốn lượn qua những ngọn núi đá vôi cao sừng sững, tựa thế sơn thủy hữu tình, tạo nên tính cách hồn hậu, mến khách của người dân nơi đây.

Ngay từ sáng sớm, người dân thôn Thanh Hà rộn ràng nô nức vui tươi ca múa trong trang phục dân tộc truyền thống, chào đón các đại biểu tham dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhà văn hóa thôn Thanh Hà nằm trên dải đất cao, rộng rãi. Từ rất sớm, bà con trong thôn ngoài xã đã tụ tập tại đây. Những bà mẹ, cô gái trong trang phục thổ cẩm đặc sắc của dân tộc Mường tíu tít chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ sắp tới.

Ở cạnh đó, một dàn cồng chiêng mà theo lời của đồng chí Trưởng thôn Thanh Hà, đây là món quà, kết quả của sự quan tâm rất lớn từ chính quyền UBND huyện Mỹ Đức đối với phong trào văn hóa, văn nghệ, giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của cư dân nơi đây.

Tiếng cồng, chiêng như mời gọi, thúc giục nhân dân trong thôn, ngoài xã mau mau tập hợp tại nhà văn hóa, cùng nhảy múa, tham dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân.

Trong trang phục truyền thống của dân tộc Mường, cô Nguyễn Thị Quyên, ở thôn Thanh Hà vui mừng cho biết: Mấy năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền thôn, xã, huyện và thành phố Hà Nội, đời sống cả về tinh thần và vật chất của bà con trong thôn Thanh Hà, xã An Phú ngày càng phát triển hơn. Bức tranh kinh tế, xã hội của thôn, xã đang thay da đổi thịt từng ngày. Dù còn có những khó khăn, thách thức, vất vả, song với vị trí địa lý, tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội, nhất là du lịch, người dân nơi đây mong muốn và hy vọng trong tương lai không xa, thôn Thanh Hà nói riêng và xã An Phú nói chung sẽ được đầu tư đúng mức, tạo nên diện mạo mới, giúp cho người dân nơi đây ngày càng thêm ấm no, hạnh phúc.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội tăng quà cho Đảng ủy, UBND xã An Phú, chính quyền thôn Thanh Hà

Gia đình nhà cô Quyên có 7 sào ruộng. Cùng với việc chăm lo làm nông, cô Quyên và gia đình còn tranh thủ tăng gia sản xuất và nuôi trồng các cây, con có giá trị kinh tế để bán giúp tăng thêm kinh tế. Là gia đình theo đạo Thiên chúa, vợ chồng cô Quyên vẫn luôn nhắc nhở con cháu trong nhà phải kính Chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, hòa hảo, đoàn kết với các tôn giáo, gia đình bạn bên Phật giáo…

Giữa người dân bên lương và bên giáo ở nơi đây chưa bao giờ xảy ra xích mích, hay nặng lời với nhau, thay vào đó là sự đoàn kết, cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau dưới mái làng quê bao đời thơm mùi rơm mới.

Bản thân gia đình cô Quyên cũng là gia đình văn hóa và từ năm 2005 đến nay, danh hiệu đó vẫn được cô cùng những người thân trong nhà giữ gìn như chính sự đoàn kết, tương thân tương ái với tất cả mọi người dân trong làng, xã…

Trung tướng Nguyễn Hải Trung tặng quà cho đại diện các hộ gia đình văn hóa trong thôn

Giống như cô Quyên, chị Trần Thị Bằng, ở thôn Thanh Hà diện bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Mường tham gia ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Gia đình văn hóa theo đạo Công giáo và trong tâm niệm của chị Bằng cùng các thành viên gia đình, sống, lao động và học tập luôn kính Chúa yêu nước.

Trong mọi hoạt động xã hội của thôn, xã, chị Bằng cùng các thành viên trong gia đình tích cực tham gia, đầy nhiệt huyết, trách nhiệm.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhất là trong vòng 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương và người dân, nhưng bản thân chị Bằng cũng như bà con trong thôn, xã, vẫn luôn cố gắng tăng gia sản xuất, đoàn kết, đùm bọc nhau cùng vượt qua khó khăn, vất vả, từng bước xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang sạch đẹp, phát triển...

“Năm nay, do dịch Covid-19 nên khách mời của thôn, xã ít hơn so với những năm trước”- chị Bằng nói. Dẫu vậy, cờ hoa và những điệu múa cồng chiêng của chị Bằng và đoàn nghệ thuật được tập hợp bởi những người nông dân sớm cày, chiều cấy, một nắng hai sương ở đồng ruộng nơi này cũng đã đủ reo lên những âm thanh tươi mới, giúp cho ngày hội Đại đoàn kết dân tộc thêm đa dạng sắc màu và bền chặt tình thân ái…

Trung tướng Nguyễn Hải Trung biểu dương tinh thần đại đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của người dân thôn Thanh Hà, xã An Phú

Cùng với những đoàn văn nghệ của các tổ dân phố trong thôn, xã, những cựu chiến binh, các cụ ông, cụ bà, em nhỏ… cũng có mặt tại nhà văn hóa thôn Thanh Hà. Mọi người ai nấy đều có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và nhất là phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ngay cổng chào, lối đi vào khu vực nhà văn hóa có nhân viên y tế của xã khéo léo đặt những hộp khẩu trang, lọ nước diệt khuẩn trên bàn, máy đo thân nhiệt để phục vụ nhân dân.

Ngày vui, ngày hội nhưng người dân vẫn ý thức đảm bảo khoảng cách an toàn, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, với ý thức và trách nhiệm phòng chống dịch Covid-19 cao nhất.

Đoàn kết xây dựng nông thôn mới văn hóa, hiện đại

Báo cáo Trung tướng Nguyễn Hải Trung và đoàn công tác của thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức, ông Trần Văn Oanh, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Thanh Hà cho biết: Thôn Thanh Hà có 215 hộ với 810 nhân khẩu trong đó có 4 hộ gia đình chính sách, 2 liệt sỹ.

Tổng diện tích tự nhiên 305 ha, đất thổ cư và đất lâm nghiệp 100 ha, đất nông nghiệp 150,5 ha, diện tích cấy lúa 56,5 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản và cây sen 50,4 ha. Đời sống nhân dân sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi, dịch vụ buôn bán vừa và nhỏ.

Thôn có hai tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo, Đạo phật chiếm 10% Thiên chúa giáo chiếm 90%. Trong thôn có tới 70% là người dân tộc Mường.

Ông Nguyễn Ngọc Việt, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức trao quà tặng chính quyền xã An Phú và nhân dân thôn Thanh Hà

Thanh Hà là thôn có địa hình phức tạp, rất khó khăn cho việc lưu thông đi lại, đồng ruộng canh tác thì xa, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của bà con nhân dân.

Nhưng dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp, sự lãnh đạo trực tiếp của chi ủy chi bộ, Ban công tác mặt trận đã phát huy trách nhiệm của mình, phối kết hợp với chính quyền thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu dân cư tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động...

Nhân dân ở khu dân cư đã đoàn kết, phát huy đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa bàn, khắc phục khó khăn để vươn lên xây dựng khu dân cư ổn định và ngày càng phát triển khá về mọi mặt.

Điểm nổi bật của thôn Thanh Hà chính là đẩy mạnh phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình.

Người dân đoàn kết yêu thương nhau, cùng chăm lo xây dựng cảnh quan môi trường sạch đẹp; đoàn kết phát huy dân chủ, chấp hành tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.

Những hoạt động tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng luôn được nhân dân thôn Thanh Hà và xã An Phú phát huy. Truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, tương thân tương ái…, được nhân dân trong thôn, ngoài xã tâm niệm, khắc ghi và thực hiện hàng ngày.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, đã có nhiều tấm gương xung phong tham gia chống dịch, người dân dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng thu vén ủng hộ quỹ phòng, chống dịch của địa phương, Chính phủ, góp phần cùng với cả hệ thống chính trị cơ sở, huyện và thành phố đảm bảo phòng, chống hiệu quả dịch, không xảy ra trường hợp nào nhiễm Covid-19 tại địa phương.

Lãnh đạo các cấp tặng danh hiệu Gia đình văn hóa cho các hộ gia đình thôn Thanh Hà

Thay mặt đoàn công tác, Trung tướng Nguyễn Hải Trung bày tỏ niềm vui mừng khi cùng tham dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2021).

Chia vui với những thành tích, kết quả của bà con trong thôn Thanh Hà và xã An Phú đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, sản xuất, văn hóa, xã hội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung biểu dương những cố gắng, nỗ lực của chính quyền và nhân dân xã An Phú, thôn Thanh Hà và nhất là từng cá nhân, người dân trong thôn, xã.

Giám đốc CATP Hà Nội nêu rõ, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn mãi là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đánh thắng giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, bảo vệ, giữ gìn, phát triển đất nước với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

Báo cáo sơ bộ những thành tích, kết quả của thành phố trong công tác phòng, chống Covid-19 cũng như các lĩnh vực khác, Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định: “Trong thành tích chung ấy có sự tham gia đầy trách nhiệm, đóng góp tích cực của nhân dân huyện Mỹ Đức, xã An Phú và khu dân cư thôn Thanh Hà…

Trung tướng Nguyễn Hải Trung lắng nghe những chia sẻ và quan tâm, động viên người dân trong thôn Thanh Hà trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân

Lắng nghe, chia sẻ với những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thôn Thanh Hà, xã An Phú, Giám đốc CATP Hà Nội cũng gợi mở lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức cũng như đề nghị các cấp, các ngành trên địa bàn huyện tiếp tục quan tâm, giúp đỡ để nhân dân thôn Thanh Hà nói riêng và người dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức nói chung ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát triển.

Giám đốc CATP Hà Nội cũng mong muốn các hộ dân trên địa bàn tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đồng lòng cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường…

Nhân dân trong thôn Thanh Hà vui mừng tham gia ngày hội đại đoàn kết

Cũng nhân dịp này, Giám đốc CATP Hà Nội đã trao tặng chính quyền, nhân dân thôn Thanh Hà, xã An Phú nhiều phần quà góp phần giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thôn, xã có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục