Trườn mình xuôi dòng sông mẹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sông Hồng (còn gọi là sông Cái, sông Cả) chảy trên miền Bắc Việt Nam tổng cộng 556km, trước khi đổ ra Vịnh Bắc Bộ, là con sông quan trọng nghìn đời của nền văn hóa lúa nước Việt Nam. Sông chảy xuyên qua nhiều quận, huyện của Hà Nội, ở cả tả ngạn và hữu ngạn, trong đó đoạn chảy vắt qua trung tâm, xuyên qua 6 cây cầu Thăng Long - Nhật Tân - Long Biên - Chương Dương - Vĩnh Tuy- Thanh Trì được nhiều người Hà Nội biết đến hơn cả, cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động sôi động nhất.
Tác giả chèo Sup qua gầm cầu Long Biên

Tác giả chèo Sup qua gầm cầu Long Biên

Chuyện những “dị nhân sông Hồng”

Mấy năm lại đây, ngày càng nhiều người tìm đến sông Hồng bơi lội mỗi mùa hè, có người quanh năm xuất hiện ở bến sông, chỉ vắng mặt những ngày nhiệt độ xuống quá thấp, đến mức tê tái… Gần bãi bơi “cựu chiến binh” - bãi bơi nổi tiếng gần cầu Long Biên tôi bắt gặp một phụ nữ chừng 60 tuổi lặn ngụp ngược dòng nước rất lâu ngay cạnh một chiếc bè nổi, hỏi ra được biết ngày nào cô cũng ra sông bơi một tiếng.

Những “dị nhân sông Hồng” có đặc điểm chung là trình độ bơi ở mức trung bình nhưng tâm lý bơi sông hồ tốt. Thỉnh thoảng chèo Sup (ván hơi đứng) trên sông tôi bắt gặp nhiều người bơi một mình giữa mênh mông nước, phương tiện chống đuối nước duy nhất thường là cái can nhựa 5 lít buộc dây kéo theo phía sau, cứ thế bơi xuôi dòng cả cây số.

Lại có những người thích bơi ngược dòng và không cần phao cứu hộ. Nếu bạn có thể xuống dưới trụ cầu Long Biên chiều mùa hè dễ bắt gặp một người đàn ông một mình bơi ngược từ “bãi tắm tiên” đến trụ cầu đổ rồi tiếp tục bơi ngược sang bãi giữa. Thứ duy nhất mà anh này mang theo là chai LaVie nhỏ đựng nước chè, hỏi sao không kéo phao cứu hộ, thì cười mà rằng “không quen thấy vướng”.

Như đã nói trên, đa phần những “dị nhân” này trình độ bơi vừa phải, có thể gọi là bơi phủi, nhưng ngày càng có nhiều người bơi tốt, bài bản xuất hiện trên sông.

Cốm, Min (cởi trần) cùng các bạn trong một lần bơi vượt sông Hồng sang bãi giữa

Cốm, Min (cởi trần) cùng các bạn trong một lần bơi vượt sông Hồng sang bãi giữa

Trong số này có thể kể đến hai bạn nhỏ tên gọi thân mật là Cốm và Min, con anh Trịnh Thắng - một người đàn ông mà dân chơi Sup trên sông Hồng đều biết. Cốm năm nay 13 tuổi, nhưng đã theo bố ra sông chơi được vài năm, mùa hè khi chúng bạn cắm mặt vào điện thoại thì cậu bé lại lênh đênh cùng bố và em trai trên sông nước, cả ba đen nhẻm vì nắng gió.

Cốm vừa hoàn thành giải bơi DeadFish 2023, bơi 10km liên tục trên sông. Thực ra thì cung bơi từ Bến Bạc về cầu Long Biên đã quá quen với cậu bé này, có lần Cốm từng bơi đêm, nên khi bơi xong 10km “cháu chỉ thấy hơi mỏi vai”. Min ít hơn vài tuổi, nhưng cũng đã bơi dài hàng km, tương lai sẽ nhanh chóng đuổi kịp anh.

Về giải bơi DeadFish trên, là giải tổ chức nguồn gốc từ Mỹ, mục đích lan tỏa động lực tập luyện cho mỗi người và giúp đỡ trẻ em kém may mắn tại Việt Nam. Trong mùa 2023 đã thu hút rất đông các câu lạc bộ bơi trong nước tham gia, một số chọn địa điểm bơi sông Hồng, nên chuyện người bơi liền 10km trên sông Hồng giờ đã khá phổ biến.

Xuôi dòng dưới những gầm cầu lâu đời nhất Hà Nội

Bơi dưới gầm 6 cây cầu tính từ thượng nguồn sông Hồng: Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy và Thanh Trì mỗi nơi có một cảm nhận khác nhau mà người bình thường khó lòng có trải nghiệm. Như dưới gầm cầu Nhật Tân, cây cầu hiện đại nhất Thủ đô, ngước lên thấy một gầm cầu cao vợi, dầm sắt sơn màu đỏ thắm, gác lên các chân trụ bê tông hình tinh thể kim cương đầy bề thế và uy nghi.

Gầm cầu Nhật Tân

Gầm cầu Nhật Tân

Hay vừa xuyên qua gầm cầu Chương Dương thì sóng sông bỗng vỗ dập dồn như biển, do nơi đây dòng nước bị gió thổi ngược… Nhưng có lẽ cảm xúc nhiều nhất là được bơi dưới gầm Long Biên - cây cầu cổ 122 tuổi do người Pháp xây dựng nên một vài trụ cầu Long Biên mang dáng dấp trụ của những cây cầu trên sông Seine (Thủ đô Paris): Hình elip, chia thành 2 tầng, bên ngoài ốp đá hình chữ nhật nhiều cỡ to nhỏ… hơi hướng kiến trúc gothic, vàng rực lên rất đẹp trong nắng chiều.

Bên cạnh đó là các trụ cầu bê tông chân sắt tạo thành dòng xoáy cuồn cuộn. Có cả trụ cầu đổ nghiêng từ năm 1972, to lừng lững, xám ngoét nằm im lìm bao năm. Thú vị nhất là khi đang ở dưới gầm cầu thì tàu hỏa chạy qua rầm rầm trên đầu, cả cây cầu già cỗi rung lên bần bật dù đoàn tàu đã giảm tốc hết cỡ…

Trụ cầu Long Biên trên sông Hồng

Trụ cầu Long Biên trên sông Hồng

Ngoài những cây cầu thì sông Hồng đoạn qua trung tâm Hà Nội còn có nhiều gò bãi rất đẹp nhưng cũng khá nguy hiểm. Mùa hè những bãi nằm giữa sông này lộ triền cát dài, nước trong trẻo, cây cối xanh tươi… đẹp không kém bất cứ bãi biển nào. Tuy nhiên phải rất thận trọng, có kinh nghiệm khi trải nghiệm những “bãi biển” giữa lòng Hà Nội này, bởi từ mép cát ra chỗ sâu hụt đầu có khi chỉ 3m, và thường nước chảy qua bãi giữa xiết hơn nhiều so với hai bên bờ. Đoạn cách cầu Long Biên về phía thượng nguồn khoảng 500m và 700m có hai doi đá nổi lên bên trên có cắm cờ, nước chảy cũng rất xiết, dân bơi phủi gọi là cột cờ 1 và cột cờ 2 là những địa điểm quen thuộc trên sông, hay được dùng chụp ảnh “check-in”.

Những bãi cát dài, làn nước trong xanh trên sông Hồng

Những bãi cát dài, làn nước trong xanh trên sông Hồng

Về sản vật thì sông Hồng giờ không còn cá to, do thuyền chài liên tục quần thảo. Nhiều nhất vẫn là trùng trục, hến ven sông. Vào mùa, xách xô nhặt một lúc là được cả chục cân trùng trục béo tròn tha hồ về nấu canh. Ngoài ra có vật vờ - một loại côn trùng cùng bộ chuồn chuồn, vốn sống ở đáy sông và chỉ lên bờ lột xác vào cuối mùa xuân, chúng bay thành từng đàn trắng mặt sông, dân thuyền chài đánh bắt từ sáng sớm rồi đem bán, chế biến được thành nhiều món ngon, từ xào với rau muống, chiên trứng… cho đến ăn với lẩu cua.

Sông Hồng nghìn đời vẫn thế, xem những bức ảnh cả trăm năm trước so với hiện nay cũng không có nhiều thay đổi, đời con người cũng chỉ như một lát cắt điểm xuyết cho sông mẹ mà thôi, từ thuở ông bà ta mặc áo yếm bán buôn ven sông, cho đến ngày nay con cháu phóng mô tô nước vun vút rẽ sóng.

Ngày càng có nhiều người tập luyện thể thao trên sông Hồng

Ngày càng có nhiều người tập luyện thể thao trên sông Hồng

Sông mẹ lúc đục ngầu phù sa, lúc trong xanh như biển; khi yên lặng như mặt hồ mùa thu, khi lại cuồn cuộn cuốn lở bờ bãi. Hà Nội đang có một đại dự án thành phố ven sông, lấy sông Hồng làm lõi trung tâm, nếu thành công thì thực sự là thay đổi cảnh vật nghìn năm.

Năm Giáp Thìn, tiếp nối truyền thống bơi vượt sông của người Hà Nội, CLB Bơi Khám phá tổ chức giải bơi phong trào Chiến binh sông Hồng (mùa 4) vào cuối tháng 3/2024. Bao gồm cự ly Cá chép (3km) và Rồng nước (5km). Tất cả các vận động viên sẽ bơi ½ quãng đường xuôi dòng và ½ còn lại ngược dòng. Thời điểm này thời tiết miền Bắc chưa thực sự ấm lên, cùng việc con nước thất thường, hứa hẹn sẽ là một giải đấu khó khăn song sôi động, cuốn hút vận động viên từ mọi miền đất nước.

4 mùa đi xuyên năm, sông Hồng cuồn cuộn đục ngầu phù sa tuôn chảy cũng vì thế mà 4 lần “chuyển màu”. Xuân sang trong xanh, lắng đọng. Hè về nhộn nhịp, đông vui. Thu qua nắng dát vàng mặt sông. Đông đến mênh mang mù mị, hoang sơ.