Trước những diễn biến bất thường của thời tiết: Không thể lơ là

ANTĐ - Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2012 sẽ có nhiều hình thái thời tiết bất thường, bão đến sớm và mạnh hơn. Từ đầu tháng 7, dọc tuyến đê sông Hồng qua các quận, huyện của Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ sạt lở, gây thiệt hại nghiêm trọng. Do vậy, công tác phòng chống lụt bão được coi là nhiệm vụ hàng đầu.

Khả năng xuất hiện lũ lớn

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng và thủy văn Trung ương, thời tiết biểu hiện bất thường bằng các đợt rét đậm rét hại kéo dài. Bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội khoảng 2-3 cơn. Lũ trên các sông đạt mức trung bình nhiều năm, khả năng xuất hiện lũ lớn vào nửa cuối tháng 7 và tháng 8. Mưa lớn tập trung vào cuối tháng 7 và tháng 8; có từ 9-10 trận mưa to đến rất to, kèm theo lốc xoáy… Vì vậy, công tác PCLB năm 2012 là một nhiệm vụ nặng nề.

Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống lụt bão năm 2012 trên địa bàn TP được tổ chức tháng 4-2012, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các cấp, các ngành, các quận, huyện phải thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác phòng, chống lụt, bão, coi đây không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, Chủ tịch các quận, huyện, thị xã sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để xảy ra sự cố trong công tác phòng chống lụt bão.

Năm 2011 có 6 cơn bão và 6 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông, trong đó bão số 2 và số 5 ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội, làm ngập úng 256ha diện tích mạ mới gieo và gây ngập úng cục bộ một số tuyến đường phố. Trận lốc xoáy xảy ra vào đêm 5-6 đã gây thiệt hại lớn về nhà cửa và hoa màu trên địa bàn xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ…  

Tuy nhiên nhờ có sự chủ động chuẩn bị, tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đê xung yếu, đặc biệt là các vị trí trọng điểm như kè Thanh Điềm, kè Bát Tràng, kè Xuân Canh, kè Đổng Viên; tu bổ đê tả, hữu Hồng… Triển khai duy trì các công trình dã chiến phục vụ công tác chống úng như Trạm bơm Yên Nghĩa, Trạm bơm La Khê… nên những sự cố về đê điều đều được xử lý kịp thời.

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cho biết: Công tác PCLB đã nhận được chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ NN và PTNT, UBND TP Hà Nội. Theo đó đã xây dựng quy chế làm việc, thành lập lực lượng xung kích tập trung canh gác điếm, đánh giá hệ thống đê điều, xây dựng phương án bảo vệ toàn tuyến, đặc biệt trên 4 trọng điểm: cống Liên Mạc trên đê hữu Hồng huyện Từ Liêm là cống lớn xây dựng từ năm 193, tường bị thấm rất dễ xảy ra sự cố; Cụm công trình cống qua đê Yên Sở thuộc quận Hoàng Mai chưa được thử thách chống lũ; Kè Thanh Am-Tình Quang đê hữu Đuống quận Long Biên; Khu vực đê, cầu cống Xuân Canh-Long Tửu đê tả Đuống, huyện Đông Anh. Đến thời điểm này, có thể khẳng định hệ thống đê điều Hà Nội đảm bảo chống lũ thiết kế và phấn đấu vượt mức thiết kế. Tuy nhiên về úng ngập vẫn có khả năng xảy ra úng ngập nội thành và úng ngập sản xuất ngoại thành.

Ngoài những trọng điểm và vị trí xung yếu dễ xảy ra sự cố bất thường đe dọa sự an toàn của hệ thống đê kè, còn phải cảnh báo tình trạng vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 1.616 vụ vi phạm nhưng mới xử lý được 714 vụ, còn tồn đọng 875 vụ. 

Nâng cao mức tiêu thoát nước

Năm nay hệ thống thoát nước của Hà Nội đạt mức tiêu thoát nước là 3,7 triệu m3/giờ, tăng 1,2 lần so với năm 2011. Hệ thống thoát nước tại một số khu vực của thành phố đã được đầu tư xây dựng và duy tu duy trì trước mùa mưa. Những công trình dự án thoát nước hoàn thành trong giai đoạn II, cải tạo các hồ nội thành, các mương thoát nước, mua sắm thiết bị khẩn cấp, các công trình cải tạo thoát nước giải quyết bức xúc dân sinh tại phố Huỳnh Thúc Kháng, Ngã 5 Bà Triệu, Ngọc Hồi, Trần Huy Liệu... và 93 hạng mục công trình thoát nước sửa chữa cải tạo trong năm 2012 được đưa vào vận hành cũng góp phần phát huy hiệu quả tiêu thoát nước cho thành phố. 

Năm 2012, trạm bơm đầu mối Yên Sở tiếp tục vận hành với công suất 90m3/s, 18 trạm bơm cục bộ, các đập điều tiết được bảo dưỡng sửa chữa xong trong quý I-2012 đảm bảo sẵn sàng hoạt động 24/24h với công suất thiết kế. Ngoài ra còn có một số bơm dự phòng di động để sẵn sàng cho việc bơm khẩn cấp.

Cùng với việc thực hiện các giải pháp phòng chống úng ngập theo yêu cầu của thành phố, Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội đã chuẩn bị các phương án đối phó khi có mưa lớn trên địa bàn. Trong tình huống mưa to từ 50mm-100mm, ngoài việc huy động nhân lực và phương tiện chống ngập, việc vận hành Trạm bơm Yên Sở sẽ được vận hành tối đa công suất. Đặt tổ bơm di động tại các khu vực trũng như Tôn Đản, Phạm Văn Đồng… và vận hành các cửa đập điều tiết để khai thác khả năng điều hòa của các hồ.

Với những trận mưa lớn hơn 100mm, trong nội thành Hà Nội dự kiến còn 21 điểm xung yếu có khả năng bị úng ngập. Trong trường hợp này, công ty sẽ huy động tổng lực 100% cán bộ công nhân viên đi làm vệ sinh các họng thu nước mặt, kịp thời xử lý các vật cản cản trở dòng chảy; kiểm tra, kiểm soát các cửa cống ra sông Nhuệ không để nước sông Nhuệ tràn vào nội thành, phá dỡ toàn bộ các đập chắn, đập dẫn dòng trên hệ thống thoát nước. Khi mực nước sông Nhuệ lên cao và úng ngập trong nội thành đã được kiểm soát, sẽ mở đập Thanh Liệt đưa nước về Trạm bơm Yên Sở hỗ trợ tiêu nước cho sông Nhuệ, khu vực quận Hà Đông. 

Khi có mưa to trên 100mm, phương án đặt ra là khai thác hết công suất các trạm bơm nội thành đồng thời vận hành các trạm bơm nông nghiệp như Đông Mỹ, Siêu Quần điều hòa nước hợp lý giữa nội thành và ngoại thành... hỗ trợ tiêu nước cho nội thành. 

Nguy cơ sạt lở tăng gấp đôi

Từ đầu tháng 7, dọc tuyến đê sông Hồng qua các quận, huyện của Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ sạt lở, gây thiệt hại nghiêm trọng. Điển hình là các điểm sạt lở ở xã Cổ Đô (huyện Ba Vì), với chiều dài gần 300m; khu vực tổ 38 Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), sạt lở khoảng 25m, độ chênh cao 2-4m. Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, do nước xả lũ đổ về, đã có 45 hộ dân sống sát sông Hồng của phường Chương Dương nằm trong diện cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao. Trong đó có 6 hộ dân thuộc diện rất nguy hiểm tại ngõ 661 Bạch Đằng phải di dời khẩn cấp. Rạng sáng 30-7, phần sau ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Thanh (số 12, ngách 639/6/5 Bạch Đằng) đã bất ngờ sụt xuống sông. Tại ngôi nhà cấp 4 (tổ 82, ngõ 639, đường Bạch Đằng) của gia đình chị Phạm Thị Sen, một phần móng đã bị nước cuốn sâu vào bên trong cả mét, chiều dài tới 3-4 m, phần còn lại đang nằm chênh vênh, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Mặc dù chính quyền địa phương bắt buộc các hộ dân di dời nhưng nhiều gia đình vẫn cố thủ, bất chấp nguy cơ bị cuốn trôi. 

Trái với sức nóng của những văn bản chỉ đạo, người dân ở những khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở vẫn bình thản như chưa có chuyện gì xảy ra. Theo ghi nhận, người dân chủ yếu tự bảo vệ bằng các hình thức như đóng cọc tre, chặt cây lớn, giằng chống tạm bợ. Nhiều địa bàn do địa phương không có kinh phí nên khuyên người dân tìm nhà người quen ở tá túc. Nhưng nhiều gia đình cũng cho biết không dễ để tìm một chỗ ở mới và quan tâm nhiều đến việc Nhà nước có hỗ trợ gì cho gia đình bị thiệt hại do sạt lở hay không? Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP Hà Nội, mực nước trên sông Hồng đang dâng cao từ 1-2m do các thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang xả lũ làm cho tình hình sạt lở ven các sông trên địa bàn hết sức phức tạp. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành thông báo cho người dân dọc hai bên sông để có biện pháp phòng tránh. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến mực nước trên sông để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống... Hiện lực lượng chức năng đã kè đá khẩn cấp các khu vực có nguy cơ sạt lở.

Theo dự báo trong năm 2012, các khu vực có nguy cơ sạt lở nằm sát sông Hồng, sông Đuống tăng lên gấp đôi so với các năm trước. Hiện TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tổng hợp, thống kê gấp tất cả các điểm sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở đê điều tại các tuyến sông trên địa bàn để lập phương án xử lý tổng thể.