Trước ngày hội lớn

ANTĐ - Lần đầu tiên những người đang bị tạm giam, tạm giữ vẫn được cầm lá phiếu cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Điều đó khiến cho không khí phía sau cánh cổng sắt trong những ngày đầu tháng 5 này vốn tĩnh lặng thường ngày bỗng trở nên náo nức…

 Thêm niềm tin hướng thiện 

Có lẽ chẳng mấy khi các can phạm đang bị tạm giam, tạm giữ của Trại tạm giam số 2 - CATP Hà Nội lại có nhiều chuyện để trao đổi với nhau đến thế. Cứ mỗi khi chiếc loa phóng thanh phát đi thông tin về tiểu sử của các đại biểu và Luật Bầu cử là các phòng giam lại im lặng như tờ. Mọi người chăm chú lắng nghe rồi lại ồn ào bàn tán, nào là bình luận vị đại biểu nọ trẻ, nhận xét vị đại biểu kia nhiều cống hiến, rồi trao đổi ai sẽ là người trúng cử đợt này.

Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh, Phó Giám thị trại cho biết, kể ra đây cũng là sự lạ, bình thường các can phạm chẳng có chuyện gì để nói ngoài chuyện mức án, ngày ra tòa hay cáo trạng quy kết tội danh ra sao. Vậy mà nay, họ lại khá quan tâm đến… thời cuộc. Ấy cũng bởi đây là lần đầu tiên những người bị tam giam vẫn được thực hiện đầy đủ các quyền công dân của mình dù đang phải ngồi trong 4 bức tường.

Ngày còn chưa vướng vòng lao lý, can phạm Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 1969), trú tại phố Khâm Thiên, quận Đống Đa giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu. Từng tham gia công tác tổ chức bầu cử tại phường nên những ngày này, Nguyễn Thị Ngọc Ánh nhớ đến quay quắt quãng thời gian còn được làm việc.

Nguyễn Thị Ngọc Ánh bảo: “Hàng ngày, nghe loa của trại phát đi thông báo về tiểu sử của từng vị đại biểu, tôi lại thấy trong lòng bồi hồi. Tất cả những việc này tôi đều đã từng trải qua nên rất hiểu các bước tổ chức, chuẩn bị sẽ phải thực hiện như thế nào. Chính vì vậy, rất nhiều các can phạm khác đã hỏi tôi về quy chế hoặc Luật Bầu cử, tôi đều giảng giải cho họ hiểu. Đây cũng là một niềm vui trong những ngày chờ bản án có hiệu lực pháp luật”.

Với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã trải qua 4 năm bị tạm giam ở Trại tạm giam số 2 và hiện vẫn đang trong thời gian chờ bản án có hiệu lực pháp luật. “4 năm ấy với tôi đằng đẵng lắm, nhiều lúc cứ nghĩ là mình đã mất hết. Nhưng bây giờ biết được mình vẫn còn quyền công dân, vẫn được đi bầu cử, tôi cảm thấy mình có niềm tin vào tương lai”, Nguyễn Thị Ngọc Ánh bộc bạch.

Cũng với tâm trạng như vậy, can phạm Đào Thành Long trú tại phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa cũng tỏ ra rất háo hức chờ đến ngày cầm lá phiếu cử tri đi bầu cử. Đào Thanh Long nguyên là giám đốc một công ty đã phải tạm giam tại đây 44 tháng với mức án sơ thẩm 8 năm tù giam. Vì làm doanh nghiệp nên ngày còn đương chức, Long đặc biệt quan tâm tới các vấn đề chính trị, nhất là việc bầu cử đại biểu Quốc hội.

Đào Thanh Long tâm sự: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND cũng liên quan đến nhiều chính sách của Nhà nước mà các doanh nghiệp đều quan tâm. Tôi là người làm kinh tế nên đặc biệt quan tâm các hoạt động này. Tuy bây giờ bị tạm giam nhưng tôi thực sự xúc động khi biết mình vẫn được thực hiện quyền bầu cử. Trại cũng tạo điều kiện cho các can phạm được tiếp cận cũng như phổ biến thường xuyên về công tác bầu cử cho các cử tri như tôi. Đây là điều rất mới và thể hiện sự nhân đạo của pháp luật”…

Nỗ lực chuẩn bị cho ngày hội lớn

Nếu như các can phạm háo hức bao nhiêu thì đối với những cán bộ, chiến sỹ của trại tạm giam lại vất vả bấy nhiêu. Để có được ngày bầu cử thực sự trọn vẹn cho các “cử tri đặc biệt”, Trại tạm giam số 2 đã phải có các bước chuẩn bị từ trước đó hàng tháng trời.

Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh kể: “Hiện tại, số cử tri đang bị tạm giam, tạm giữ của trại là hàng trăm người. Khác với các địa bàn bầu cử bên ngoài, khu vực bỏ phiếu Trại tạm giam số 2 luôn luôn biến động về số lượng cử tri. Can phạm ngày nào cũng có người đến, người đi. Có người hôm nay còn quyền bầu cử, nhưng ngày mai bản án của họ đã có hiệu lực pháp luật nên quyền đó lại bị tước. Do đó, chúng tôi phải vô cùng vất vả để cập nhật liên tục. Đó là chưa nói đến công tác đảm bảo an toàn, phòng ngừa mọi bất trắc có thể xảy ra trong công tác quản lý các phạm nhân khác”. 

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh, trong suốt một thời gian dài trước bầu cử, trại thường xuyên phải làm công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho từng người bị tạm giữ, tạm giam về quyền và nghĩa vụ của họ trong công tác bầu cử. Cán bộ cũng phải giải đáp rất nhiều những thắc mắc, yêu cầu của cử tri, giúp từng người hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc quyền và trách nhiệm của mình. “Tới đây, khi thực hiện bỏ phiếu, cán bộ sẽ phải mang hòm phiếu đi từng buồng giam phát phiếu bầu cho can phạm để họ thực hiện quyền bầu cử của mình” - Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh nói.

So với Trại tạm giam số 2 thì Trại tạm giam số 1 có phần vất vả hơn bởi phải tổ chức công tác bầu cử cho hàng nghìn cử tri là người bị tạm giam, tạm giữ. Trung tá Phạm Chiến Thắng, Phó Giám thị trại cho biết, đối với đội ngũ cán bộ, chiến sỹ của đơn vị thì việc đi bầu cử khá đơn giản. Nhưng để tổ chức cho các can phạm thì khó hơn rất nhiều do họ đang nằm trong quá trình điều tra hoặc xét xử nên không thể đưa ra ngoài.

Cũng chẳng thể tập trung họ thành những nhóm đông nhằm tránh việc thông cung hay gây rối trật tự. Ngay cả việc tổ chức tuyên truyền công tác bầu cử cho số cử tri này cũng không hề dễ dàng vì những lý do liên quan đến an ninh của toàn trại. Cách duy nhất để đơn vị làm tròn nhiệm vụ đảm bảo quyền lợi cho can phạm là cán bộ phải trực tiếp đến từng buồng giam làm tuyên truyền viên. Với số lượng can phạm lớn như vậy thì đây là việc mất rất nhiều công sức. Nhưng chắc chắn đơn vị sẽ hoàn thành nhiệm vụ để không chỉ góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử mà cũng là đáp ứng những háo hức, kỳ vọng của các cử tri.

Đúng như lời Trung tá Phạm Chiến Thắng, can phạm Trần Thị Thu trú ở phường Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên tỏ ra rất mong đợi về đợt bầu cử sắp tới. Trần Thị Thu chia sẻ: “Thú thực, ngày còn ở ngoài tôi cũng ít khi có thời gian để ý đến việc bầu cử và đã đôi lần “bỏ quên” quyền này của mình. Chỉ đến khi vào đây, các quyền công dân bị hạn chế mới thấm thía, quyền bầu cử thật sự quý giá.

Luật Bầu cử bây giờ có nhiều điểm mới, trong đó, Điều 29 quy định cho những người đang bị tạm giữ, tạm giam có quyền bầu cử khiến tôi cảm thấy có chút gì đó an ủi. Pháp luật vẫn cho tôi quyền được bầu ra những vị đại biểu đủ đức, đủ tài, đại diện cho người dân vào cơ quan lập pháp. Tôi sẽ trân trọng quyền công dân cao quý này và sẽ rất thận trọng khi dùng lá phiếu của mình để lựa chọn ra những đại biểu xuất sắc nhất cho đất nước. Qua đây tôi cũng cảm thấy mình phải có trách nhiệm  trong việc khai báo thành khẩn và cải tạo tốt, chấp hành các quy định của pháp luật để quay trở về làm người có ích cho xã hội”.

Để người bị tạm giam, tạm giữ được thực hiện quyền cử tri đi bầu cử là một chính sách nhân văn của Nhà nước và pháp luật. Và để đảm bảo cho những cử tri này thực hiện được đầy đủ quyền lợi của mình, các cán bộ, chiến sĩ của những trại tạm giam CATP Hà Nội hiện đang phải căng sức làm việc ngày đêm với tinh thần trách nhiệm rất cao.