Trước hết phải lo cho dân

ANTĐ - Đây không phải là lần đầu tiên nổ ra cuộc tranh luận về việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trong khi Chính phủ trình phương án nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu lên 9 triệu đồng/tháng, nâng mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 1,6 lên 3,6 triệu đồng/nguời/tháng, thì Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự Luật lại bác đề xuất này và đề nghị hạ xuống ở mức tương ứng là 7 triệu và 2,8 triệu đồng.

Cả nước hiện có 3,87 triệu người phải nộp thuế thu nhập cá nhân (chiếm 4,4% dân số). Nếu nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng và 3,6 triệu đồng, thì số lượng người nộp thuế chỉ còn khoảng 1 triệu. Cả ông Chủ nhiệm và 618 ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, mức nâng nói trên là quá cao, làm sai lệch bản chất của loại thuế này, thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế, thậm chí việc sửa này là một “bước lùi”. Lo cho ngân sách nhà nước sẽ bị giảm thu đáng kể, ông Chủ nhiệm lưu ý Chính phủ khi đề ra mục tiêu sửa đổi luật là phải đảm bảo không làm ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách.

Theo ước tính của Chính phủ, việc nâng mức giảm trừ sẽ làm giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu cả năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng. Nhìn nhận vấn đề giảm thu ngân sách dưới một góc độ khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lại cho rằng, không nên lo chuyện thu ngân sách, bị ảnh hưởng bao nhiêu, vì nếu tiết kiệm chi tiêu, phòng chống tham nhũng tốt thì không chỉ 13.000 tỷ đồng mà cả trăm nghìn tỷ cũng thu được. Hầu hết các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều bày tỏ sự đồng tình với đề xuất mang tính khoan thư sức dân của Chính phủ. Bản thân Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi cần tính toán mức thu nhập 7 triệu hay 9 triệu đồng đã đủ sống chưa? Theo ông, trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, mức 7 hay 9 triệu đồng đã gọi là thu nhập cao chưa? Chính phủ đưa ra mức 9 triệu đồng là chưa cao, chỉ đủ sống.

Một Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và không đồng tình với đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Ông khẳng định, nếu đưa ra Quốc hội thì Quốc hội sẽ ủng hộ Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội thì cho rằng phải thẳng thắn thừa nhận, Việt Nam chưa thể công bố được mức sống tối thiểu. Đến năm 2015 mới có thể tuyên bố mức tiền lương tối thiểu có đủ trang trải cho cuộc sống tối thiểu hay không. Việt Nam phát triển chưa bền vững, vừa mới thoát khỏi nhóm các nước có mức thu nhập thấp, do đó nhu cầu tối thiểu của người dân ngày càng tăng. Một trong những ý kiến phản ứng mạnh mẽ nhất là của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trước kiến nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ cho phép hai người phụ thuộc, theo ông là cứng nhắc, bởi khi nuôi dưỡng ai thì cũng phải giảm trừ cho người đó. Một Phó Chủ tịch Quốc hội nói thẳng, nếu quy định như vậy sẽ chẳng khác nào việc nuôi bố mẹ thì thôi nuôi con, nuôi con thì thôi nuôi bố mẹ.

Nâng lên hay hạ xuống mức nộp thuế thu nhập cá nhân, rõ ràng là một công việc khó khăn phải tính toán rất kỹ lưỡng. Lo cho ngân sách, lo cho các khoản đầu tư, lo cho an sinh xã hội là nỗi lo chung của Quốc hội và Chính phủ, nhưng suy cho cùng là phải lo cho dân trước hết.