Trung Quốc tốn hàng tỷ USD nhưng ‘cá mập bay’ J-15 chỉ là bản sao lỗi của Su-33?

ANTD.VN - Trái ngược với tuyên bố của Trung Quốc rằng tiêm kích hạm J-15 của nước này vượt trội Su-33 nguyên bản, phía Nga lại cho biết "cá mập bay" chỉ là sản phẩm lỗi.

Tiêm kích hạm J-15 Trung Quốc bị báo chí Nga khẳng định "chỉ là bản sao lỗi của Su-33", tuy nhiên ý kiến trên liệu có chính xác hay chỉ nhằm mục đích "dìm hàng" đối thủ?

Hiện nay Không quân Hải quân Trung Quốc đã được biên chế 2 trung đoàn tiêm kích hạm J-15 Flying Shark (Cá mập bay) để trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) và Sơn Đông (CV-17), mỗi trung đoàn có số lượng 24 chiếc.

Trung Quốc tự tin tuyên bố rằng chiếc J-15 của mình là tiêm kích hạm tốt nhất thế giới vào thời điểm hiện tại khi tính năng kỹ chiến thuật của nó vượt trội Su-33 sản xuất dưới thời Liên Xô, nhờ được ứng dụng nhiều thiết bị điện tử hàng không tiên tiến.

Mặc dù vậy, các chuyên gia quân sự Nga lại nhận định rằng còn rất xa nữa J-15 của Trung Quốc mới tiệm cận được chất lượng Su-33, chiếc chiến đấu cơ này không nên sử dụng trong các nhiệm vụ quân sự quan trọng.

Cần nhắc lại, tiêm kích hạm J-15 được sao chép từ một nguyên mẫu T-10K do Trung Quốc mua lại từ Ukraine, cùng với chiếc tàu sân bay đang trong tình trạng thi công dở dang.

Trong khi đó Su-33 được biết đến là một trong nhiều phiên bản của Su-27 Flanker, giống như đối thủ F-15 Eagle, nó có tốc độ, tầm hoạt động và khả năng cơ động ở mức “phi thường".

Truyền thông Nga cho biết, khi xét đến một số tính năng cụ thể, Su-33 cho thấy sự vượt trội khi đặt cạnh F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ, đáng kể nhất là độ linh hoạt cao hơn.

Tuy nhiên khi hoạt động chúng gặp một số khó khăn khi vì cả tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, Sơn Đông và Liêu Ninh đều có sàn cất cánh kiểu nhảy cầu, trong khi Su-33 và J-15 là một trong những tiêm kích hạm nặng nhất hiện nay.

Điều đó sẽ làm hạn chế nghiêm trọng đến lượng nhiên liệu và vũ khí mà chúng có thể mang theo, từ đó giới hạn phạm vi và hiệu quả chiến đấu, đây là những nhận xét đã được nhiều chuyên gia quân sự Nga và quốc tế đưa ra.

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng tin rằng hiệu suất kém của J-15 nằm ở việc sao chép mẫu thử T-10K của Liên Xô nhưng các nhà thiết kế Trung Quốc chưa nắm rõ hoàn toàn ý tưởng bên trong mà họ chỉ đơn giản là mô phỏng lại mà thôi.

Không chỉ có vậy, mặc dù ra đời đã lâu nhưng khi chiếc Su-33 trải qua quá trình hiện đại hóa với các thiết bị của Su-30SM như radar mảng pha quét thụ động N011M BARS-M hay động cơ 2D TVC AL-31FN thì nó sẽ có hiệu suất tác chiến vượt xa J-15.

Chính vì vậy, báo chí Nga cho rằng bất chấp việc đã đổ hàng tỷ USD vào dự án nghiên cứu phát triển J-15, sản phẩm mà Trung Quốc nhận được chỉ là một chiếc tiêm kích hạm chắp vá và còn đầy lỗi rất khó khắc phục.

Nhưng cũng cần lưu ý thêm, truyền thông Nga thường xuyên đưa ra những nhận xét mang tính chất “dìm hàng” đối với bất kỳ vũ khí nào có thể trở thành đối thủ của mình trên thị trường quốc tế, hay thậm chí là mẫu tương tự.

Trung Quốc đã có kinh nghiệm lâu năm trong việc chế tạo các phiên bản tiêm kích Flanker, thậm chí một số biến thể của họ (chẳng hạn như J-16) còn được nhận xét vượt trội sản phẩm của Nga, những bài học đúc rút ra đều được liên hệ tới chiếc J-15.

Cho nên sẽ là quá phiến diện khi dựa vào nhận xét của báo chí Nga để cho rằng chiếc J-15 của do Trung Quốc sản xuất chỉ là sản phẩm lỗi, nhất là khi chưa ai kiểm chứng được đầy đủ tính năng của nó.