Trung Quốc dời đô khỏi Bắc Kinh?

ANTĐ - Dư luận Trung Quốc xôn xao thông tin chính quyền có thể chuyển Thủ đô ra khỏi Bắc Kinh, nơi hứng chịu tình trạng thiếu nước, chất lượng không khí tồi tệ, hiện tượng sa mạc hóa, tắc đường và mật độ dân số cao.
Mới đây, trên mạng Sina Weibo của Trung Quốc, trích dẫn từ website của chính quyền, trong đó có đưa ra giả thiết rằng việc “dời đô” từ Bắc Kinh về Tín Dương (tỉnh Hà Nam) đang bắt đầu và sẽ hoàn tất năm 2016. Chuyện dời đô trên thực tế không phải quá mới ở Trung Quốc. Trong lịch sử, nhiều hoàng đế của nước này từng dời đô với nhiều lý do khác nhau nhằm tận dụng tốt nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên, có khả năng phòng thủ tối ưu hơn hoặc có các yếu tố phong thủy tốt hơn. 
Trung Quốc dời đô khỏi Bắc Kinh? ảnh 1

Bắc Kinh không phải miền đất hứa

Bắc Kinh là Thủ đô Trung Quốc kể từ năm 1949 và hiện có nhiều lý do để xem xét chuyện dời đô. Hiện nay tại thành phố này, không khí đang bị ô nhiễm nặng nề. Hơn 20 triệu người Bắc Kinh đang phải hít thở không khí độc hại chết người, một phần do chất thải từ 5 triệu xe hơi khiến các con đường giao thông tắc nghẽn. 
Hồi tháng 1 vừa qua, một làn khói dày đặc gần như bao trùm tại thành phố Bắc Kinh. Không khí ô nhiễm ở Thủ đô của Trung Quốc đã tăng đến mức nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Chỉ số từ các trạm theo dõi chính thức và phi chính thức đều cho thấy, mức ô nhiễm vào ngày 12-1 tại Bắc Kinh đã tăng vọt quá mức nguy hiểm do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra.
Cùng với tình trạng giao thông ở đây được miêu tả là “khủng khiếp” là địa hình của thành phố khiến nó dễ bị hạn hán gây tình trạng Bắc Kinh bị sa mạc hóa và Trung Quốc đang bị hóa thành sa mạc. Việc hủy diệt môi trường trầm trọng vì lợi ích kinh tế trước mắt đã khiến môi trường khô cằn, nóng bức và khiến cho bão sa mạc mang cát đến dần bao phủ Bắc Kinh và nhiều nơi khác một cách trầm trọng.
Rõ ràng Bắc Kinh không phải là một thành phố đảm bảo các điều kiện sống tốt nhưng hàng triệu dân nhập cư lại xem đây là miền đất hứa và di cư ồ ạt tới Thủ đô để tìm kiếm giấc mộng đổi đời. Việc hàng triệu dân nhập cư ồ ạt tới Thủ đô Bắc Kinh đã khiến thành phố bị quá tải, đất chật người đông, không gian sống ít ỏi, chật chội, các nguồn lực như giáo dục và chăm sóc sức khỏe không thể đáp ứng nổi nhu cầu của người dân, dẫn đến nhiều bức xúc, chỉ trích. 
Do đó, có không ít người Trung Quốc ủng hộ chuyện dời đô. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là, thành phố nào sẽ được chọn để trở thành Thủ đô mới. Theo những lời đồn đại sôi nổi trên Sina Weibo thì Tín Dương (Xinyang), một thành phố thuộc tỉnh Hà Nam được xem là một ứng cử viên để trở thành Thủ đô mới của Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng không ít người tuyên bố, ý tưởng dời đô là chuyện xa vời, không thực tế. Họ nhấn mạnh, giống như nhiều thành phố của Trung Quốc, Tín Dương không phải là không gặp các vấn đề ô nhiễm và đương nhiên cũng chỉ sở hữu các nguồn lực tự nhiên hạn chế. Liệu ai có thể đảm bảo rồi thủ đô mới sẽ không trở thành một Bắc Kinh phiên bản 2. 

Hậu quả của việc che giấu mức độ ô nhiễm 

Trong những tháng gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã phải hứng chịu áp lực ngày càng lớn từ phía dư luận do tình trạng ô nhiễm diễn ra ngày một phức tạp và trầm trọng với những màn sương dày đặc chứa vô vàn hóa chất độc hại bao trùm nhiều khu vực rộng lớn. Không chỉ ô nhiễm không khí mà tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các sông hồ tại quốc gia đông dân nhất thế giới cũng trở thành đề tài gây tranh luận gay gắt trên các trang mạng. 
Tất cả cho thấy Trung Quốc đang phải trả giá vì xem nhẹ vấn đề ô nhiễm môi trường. Quan chức Trung Quốc có truyền thống không thông báo, không công nhận sự thật liên quan đến lợi ích của dân chúng từ môi trường thiên nhiên cho đến sức khỏe như lần chính quyền Trung Quốc bị chỉ trích che giấu thông tin khi xảy ra dịch “viêm phổi cấp tính” SARS vào năm 2003. Gần đây nhất, hồi đầu tháng Giêng, một công ty hóa học thải chất độc ra sông nhưng phải năm ngày sau dân chúng trong vùng mới được thông tin. Theo Hãng tin BBC, rất nhiều năm qua, các tổ chức bảo vệ môi trường đã khẳng định tỷ lệ mắc ung thư tại một số làng gần các nhà máy và nguồn nước bị ô nhiễm đã tăng mạnh. Trên các phương tiện truyền thông, ngày càng nhiều “làng ung thư” được đề cập. Năm 2009, báo giới nước này còn lập một bản đồ chỉ ra hàng chục ngôi làng bị ảnh hưởng do có rất nhiều kim loại nặng độc hại trong nguồn nước và đây được cho là mối liên hệ trực tiếp giữa sự gia tăng các ca ung thư. 
Sau nhiều năm dư luận đồn đoán về những tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe người dân tại một số khu vực, Bộ Môi trường Trung Quốc mới đây có vẻ như đã thừa nhận sự tồn tại của những “làng ung thư”. Trong bản báo cáo có tiêu đề “Phòng ngừa và kiểm soát rủi ro của hóa chất đối với môi trường trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015)”, Bộ này cho rằng ở Trung Quốc vẫn còn sản xuất và sử dụng tràn lan các hóa chất độc hại, vốn đã bị cấm ở nhiều quốc gia phát triển. Năm 2006, Bộ báo cáo khoảng 10% đất nông nghiệp bị ô nhiễm và 12 triệu tấn ngũ cốc bị nhiễm kim loại nặng mỗi năm. Từ đó, các con số không được cập nhật.

Bắc Kinh đối phó với “bầu trời đen”

Hiện, dư luận quốc tế và nội địa đều chỉ trích tình trạng ô nhiễm này và muốn nhìn thấy Bắc Kinh giảm bớt ô nhiễm. Theo trang China Daily, các chuyên gia của Trung Quốc cho rằng những doanh nghiệp gây ra các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí sẽ phải đền bù tổn thất bằng hình phạt tài chính, không hạn chế về số lượng. Trong bản dự thảo kế hoạch "Chống ô nhiễm khí quyển" mới nhất do Bộ Bảo vệ môi trường đưa ra, giới hạn về mức phí phạt áp dụng với các hoạt động của doanh nghiệp đã bị gỡ bỏ. Trong dự thảo mới, hình phạt được tăng từ 20 đến 30% mức thiệt hại trực tiếp từ những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí do hoạt động doanh nghiệp gây ra, và số tiền phạt không có giới hạn. Luật hiện hành quy định, các đơn vị phải chịu mức phạt thấp hơn 50% thiệt hại do các hoạt động gây ô nhiễm của họ gây ra, tối đa 500.000 nhân dân tệ (tương đương 80.330 USD). Một điểm đáng chú ý khác của dự thảo là đưa ra án "phạt tiền theo ngày". Theo đó, những đơn vị không biết sửa sai hoặc không thay đổi hành vi bất hợp pháp của mình sẽ bị phạt mỗi ngày 10.000 nhân dân tệ, kể cả đã bị phạt trước đó. Chỉ khi nào doanh nghiệp hết phạm luật thì án phạt mới tạm chấm dứt.
Trung Quốc sắp bỏ hộ khẩu 
Theo kế hoạch đô thị hóa mà các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sắp trình trước Quốc hội, nước này sẽ xóa bỏ hệ thống quản lý dân cư bằng hộ khẩu hiện nay bằng loại giấy tờ cư trú thống nhất trên toàn quốc, để giải quyết nhiều bất cập trong xã hội. Hệ thống hộ khẩu được áp dụng từ năm 1958 đã chia 1,3 tỷ dân Trung Quốc thành hai khu vực: nông thôn và thành thị. Vì hệ thống này mà gần 800 triệu dân nông thôn không được quyền cư trú hợp pháp ở thành thị, không được hưởng các phúc lợi, dịch vụ ở thành phố. Hiện hệ thống hộ khẩu đã trở nên lỗi thời vì khoảng 200 triệu dân nông thôn đang làm việc ở thành thị phải chi phần lớn thu nhập cho nhiều dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục… dành cho trẻ nhỏ, trong khi người thành thị lại được miễn phí. Để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, chính phủ sẽ cải cách hệ thống hộ khẩu, cho phép những người lao động nông thôn đủ tiêu chuẩn trở thành cư dân đô thị vĩnh viễn, tăng cường cung cấp các dịch vụ công cơ bản ở đô thị cho công nhân di cư…