Trung Quốc bất ngờ 'hờ hững' với đường ống dẫn khí Power of Siberia 2

ANTD.VN - Nga đặt rất nhiều hy vọng vào đường ống dẫn khí Power of Siberia 2, nhưng phản ứng từ Trung Quốc đang khiến Moskva lo lắng.

Việc kết thúc hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày tại Moskva giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc một lần nữa khiến đường ống dẫn khí Power of Siberia 2 rơi vào tình trạng "lấp lửng".

Không có thông báo nào cho thấy một sự khởi đầu đã được đưa ra, hoặc thỏa thuận cuối cùng đã được ký kết, tình trạng thậm chí hoàn toàn ngược lại: Trung Quốc rất cần khí đốt, nhưng không phải thông qua đường ống này.

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã đưa tin rộng rãi về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moskva và cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng không nói một lời nào về dự án đường ống dẫn khí đốt.

Theo hãng tin Bloomberg của Mỹ, sự im lặng này hơi lạ. Trung Quốc là nước nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, đồng thời cũng tiêu thụ khí đốt qua đường ống lớn nhất.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dự báo sẽ phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan và một nhiệm vụ nan giải.

Một mặt, khí đốt được cung cấp thông qua tuyến ống Power of Siberia 2 sẽ làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của đất nước vào trữ lượng than đá. Điều này rất quan trọng với các cam kết mà Trung Quốc đưa ra để đạt mức trung hòa carbon vào năm 2030.

Mặt khác Trung Quốc không muốn rơi vào tình trạng phụ thuộc Nga trong lĩnh vực năng lượng như châu Âu đang đối mặt hiện nay, họ muốn đa dạng hóa nguồn cung bên cạnh yêu cầu về sự ổn định.

Có nhiều cách tốt hơn để giải quyết vấn đề này và Trung Quốc đang đón nhận chúng một cách nhiệt tình. Trái ngược với sự dè dặt của Bắc Kinh về đường ống do Nga đề xuất, họ đã bắt đầu xây dựng một tuyến dẫn khí đốt đến Turkmenistan, được gọi là "Đường D".

Mặc dù Turkmenistan không phải là nhà cung cấp đáng tin cậy như Nga. Nhưng chính phủ quốc gia Trung Á này tỏ ra "mềm mỏng" hơn nhiều so với Moskva trên nhiều khía cạnh hợp tác, Bloomberg tin tưởng.

"Tất nhiên với Nga, họ khó chịu vì không có nhiều lựa chọn thay thế cho xuất khẩu quy mô lớn, nhưng Bắc Kinh không quan tâm, bởi vì nhờ chính sách định hướng quốc gia cân bằng, Trung Quốc có quá đủ các lựa chọn thay thế".

Tờ Bloomberg đã đưa ra nhận định nói trên, đồng thời đề cập tới "tốc độ ánh sáng" mà các công ty tư nhân và nhà nước tại Trung Quốc ký kết hợp đồng mua LNG từ Mỹ.

Kế hoạch của Trung Quốc mua khí đốt từ Turkmenistan thông qua "Đường D" - còn được gọi là đường cao tốc từ Trung Á đến CHND Trung Hoa rõ ràng là một diễn biến rất đáng ngờ.

Nhưng từ quan điểm đa dạng hóa nguồn cung, sinh thái và chính trị, bước đi nói trên chắc chắn là bắt buộc và đầy hứa hẹn.

Bắc Kinh luôn nhìn về tương lai, và nếu những gì được lên kế hoạch tỏ ra có lợi, kể cả đi ngược lại lợi ích của đồng minh thân cận nhất thì họ cũng luôn kiên quyết tiến hành.

Đối với Nga, chính quyền nước này sẽ phải nỗ lực tìm thị trường tiêu thụ khí đốt mới sau khi không thể tiếp tục xuất khẩu sang châu Âu thông qua tuyến đường ống Nord Stream.