Trục trặc liên tục, lái xe chưa mặn mà với thu phí tự động không dừng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tỷ lệ ô tô dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC) chưa cao, tỷ lệ tài khoản sử dụng cũng thấp trong khi đó, tài khoản thu phí không dừng lại liên tiếp gặp trục trặc khiến nhiều lái xe nản lòng muốn hủy dịch vụ. 

Cao tốc Hà Nội- Hải Phòng và Pháp Vân- Ninh Bình nhiều trục trặc nhất

Đến thời điểm hiện tại, vẫn có rất nhiều lái xe phản ánh về tình trạng, dán thẻ thu phí tự động không dừng và trong tài khoản còn tiền nhưng khi lưu thông qua một số trạm thu phí như trên tuyến cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ- Ninh Bình, cao tốc Hà Nội- Hải Phòng… thường xuyên gặp trục trặc.

Cụ thể, anh Nguyễn Đức Huy ở Xa La, Hà Đông, Hà Nội phản ánh, xe của anh Huy đã dán thẻ thu phí không dừng của Công ty Giao thông số Việt Nam (VDTC) từ năm 2021, trong tài khoản cũng thường xuyên đủ tiền lưu thông nhưng rất hay gặp trục trặc trên tuyến cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ- Ninh Bình.

“Đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, tôi lưu thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ- Ninh Bình nhưng khi qua trạm thu phí thì barie không mở. Sau đó, nhân viên thu phí cho biết, thiết bị không nhận diện được tài khoản của tôi và buộc tôi phải trả phí bằng tiền mặt”- anh Huy phản ánh.

Nhiều lái xe bức xúc vì tài khoản thu phí không dừng liên tục gặp trục trặc

Nhiều lái xe bức xúc vì tài khoản thu phí không dừng liên tục gặp trục trặc

Trục trặc do đơn vị cung ứng dịch vụ đấu nối chồng chéo, kích hoạt ảo

Được biết, tình trạng trục trặc thu phí ETC xảy ra còn do việc các công ty cung cấp dịch vụ thu phí không dừng đấu nối chồng chéo lên nhau.

Cụ thể như, Công ty VETC đã đấu nối, dán thẻ cho các phương tiện đã có hợp đồng (đã dán thẻ ePass) của Công ty VDTC. VETC đã bỏ qua API kiểm tra thông tin đấu nối của VDTC đẫn đến ảnh hưởng lớn cho công tác đối soát, hậu kiểm (không thực hiện được phải trừ tiền offline); chủ phương tiện không mua được vé tháng/quý và thường xuyên gặp lỗi qua trạm do xe tồn tại 2 Hợp đồng.

Ngoài ra, từ đầu tháng 10/2021, có hiện tượng VETC thực hiện kích hoạt ảo trên hệ thống cho tập phương tiện chưa thực hiện đấu nối, dán thẻ và chưa được sự đồng ý của các chủ phương tiện. Dẫn đến VDTC không thể thực hiện đấu nối dán thẻ được cho các chủ phương tiện đang có nhu cầu dán thẻ ePass; giảm thiểu khả năng tiếp cận dịch vụ của khách hàng khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ luôn và ngay; ảnh hưởng đến mục tiêu chung là tăng tỷ lệ giao dịch xe ETC trên toàn quốc.

Theo anh Huy, đây không phải lần đầu tiên anh gặp trục trặc về vấn đề thẻ thu phí không dừng không được nhận diện, buộc phải trả tiền mặt.

“Thu phí không dừng phải tạo điều kiện tối đa cho người sử dụng về tính thuận lợi nhưng tôi thì lại thấy rất bất cập. Chỉ vài lần bị rơi vào cảnh, đi vào làn ETC nhưng bị thông báo là bị từ chối, không nhận diện được phải trả bằng tiền mặt trong khi hàng dài phương tiện xếp hàng chờ phía sau rất chối, mất hết thiện cảm về ETC”- anh Huy bày tỏ.

Trường hợp như anh Huy không phải là ít, đặc biệt trong các dịp nghỉ lễ, tết lưu lượng phương tiện qua trạm BOT đông đúc, trong khi chỉ cần 1 xe gặp lỗi sẽ ảnh hưởng dây chuyền gây ùn tắc. Không ít lái xe đã bức xúc về tình trạng này và cho biết, sẽ hủy dịch vụ nếu còn lặp lại.

Tài khoản chỉ lỗi khi qua một số trạm BOT!

Thừa nhận có tình trạng lái xe đã dán thẻ thu phí ETC và tài khoản còn tiền nhưng khi lưu thông qua một số trạm BOT thì không được nhận diện, lái xe phải trả tiền mặt, lãnh đạo Công ty VDTC cho biết, bản thân công ty cũng nhận được rất nhiều phản ánh của khách hàng về tình trạng này. Nhiều nhất là trên tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng và Pháp Vân- Cầu Giẽ- Ninh Bình.

Ông Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC cho biết, có thời điểm, chỉ trong 1 tháng cuối năm 2021, trên tuyến Pháp Vân- Cầu Giẽ- Ninh Bình doanh nghiệp nhận được hơn 1.500 phản ánh báo lỗi thẻ của khách hàng. Trong khi đó, bất bình thường là sau khi nhận được phản ánh, Công ty tiến hành kiểm tra lại vật lý thẻ và lịch sử giao dịch qua các trạm của VDTC thì hoạt động bình thường.

“Lý do khiếu nại của chủ phương tiện tập trung vào vấn đề khi xe dán thẻ ePass (của VDTC) lưu thông qua các trạm của VETC thì barrier không tự động mở theo dịch vụ tự động không dừng”- ông Trình thông tin, đồng thời cho biết, đã có nhiều chủ xe phản ứng gay gắt và yêu cầu hủy dịch vụ ePass của VDTC do không đi qua được các trạm BOT do VETC cung cấp dịch vụ thu phí không dừng.

Theo lý giải của lãnh đạo VDTC, nếu thẻ ePass gặp trục trặc thì chủ xe sẽ không lưu thông được qua tất các trạm BOT, nhưng ở đây xe vẫn lưu thông qua các trạm bình thường, chỉ gặp trục trặc ở một số trạm thì chứng tỏ là do thiết bị đọc đầu-cuối của hệ thống thu phí không dừng, không thể đổ lỗi do thẻ ETC hay chủ xe dán không đúng.

Mới đây nhất, Công ty VDTC đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty VETC, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (đơn vị quản lý cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình) và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (đơn vị quản lý cao tốc Hà Nội- Hải Phòng) đề nghị phối hợp làm rõ nhiều chủ xe dán thẻ ePass nhưng gặp sự cố trên các tuyến cao tốc này.

Theo đó, tại văn bản này, ông Nguyễn Tuấn Phong, Phó Tổng giám đốc VDTC nhìn nhận, tình trạng gặp sự cố này là nghiêm trọng và kéo dài, gây ùn tắc tại các trạm thu phí; nhiều chủ phương tiện đã bức xúc khi không qua được trạm bằng làn ETC nên đã bày tỏ không hài lòng về dịch vụ.

“Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản đề nghị Công ty VETC báo cáo lại nguyên nhân, các hành động khắc phục sự cố nêu trên và biện pháp ngăn ngừa sự cố tương tự xảy ra trên hệ thống Back-End, Front-End do Công ty VETC quản lý và vận hành nhưng không được hồi đáp”- ông Phong cho hay.

Bên cạnh đó, VDTC cũng đã kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam bổ sung các quy định, chế tài về việc thực hiện công tác giám sát, xử lý sự cố trên hệ thống và báo cáo đến các đơn vị liên quan khi có sự cố xảy ra đối với hệ thống Back-End và Front-End trên toàn quốc.

Thống kê mới nhất của Bộ GTVT cho thấy, đến thời điểm này có khoảng 2,7 triệu phương tiện tham gia dịch vụ ETC (trong đó 1,3 triệu phương tiện dán thẻ ePass, còn lại là dán thẻ Etag của VETC), chiếm khoảng 60% tổng số phương tiện trên toàn quốc. Bộ GTVT sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác dán thẻ, phấn đấu trong năm 2022, số lượng phương tiện dán thẻ ETC đạt từ 80 - 90%.