Trông người mà thấy... tủi thân!

ANTĐ - Trong khi các chương trình ca nhạc có sự xuất hiện của các ca sỹ nổi tiếng khiến khán giả lùng sục tìm kiếm vé và sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng để đi xem thì các chương trình âm nhạc dân tộc như ca trù, tuồng, chèo, cải lương dù được phát vé miễn phí mà rạp hát vẫn vắng hoe hoắt. Nhiều người đã cố đi tìm lời giải và rút ra, chung quy cũng chỉ là vì cái bệnh thần tượng.

Chen lấn xô đẩy nhau đến ngất xỉu, sứt đầu mẻ trán để được gặp thần tượng

đã cho thấy sự khủng hoảng trong phát triển của giới trẻ

Phát cuồng vì “thần tượng”

Một dạo nhóm nhạc Super Junior (Hàn Quốc) sang Việt Nam biểu diễn tại Việt Nam, đầu năm 2011. Báo mạng ngập tràn tin tức, nào là người hâm mộ “mai phục” thần tượng của mình ngay tại sân bay để mong “một lần gặp cho thỏa mong nhớ”. Thậm chí có người hâm mộ thức trắng cả đêm, chẳng tha thiết ăn uống chờ “phút giây hạnh phúc”. Không gặp được “thần tượng”, người hâm mộ quyết tâm bám đuổi theo xe chở các nghệ sỹ. Rồi đến đêm công diễn thì dẫm đạp lên nhau đến ngất xỉu. Cảnh tượng này đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam cùng các chuyến lưu diễn của các nghệ sỹ nước ngoài.

Theo các nhà tâm lý học, xã hội học, sự hâm mộ dành cho những người nổi tiếng cũng là lẽ thường. Tuy nhiên, cái bất bình thường hiện nay là  biểu hiện thái quá cho thấy sự khủng hoảng trong phát triển của một bộ phận giới trẻ Việt Nam.

Trong một hội thảo âm nhạc được tổ chức gần đây, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch chia sẻ: “Mỗi lần đặt bút ký cho nghệ sỹ hoặc nhóm nhạc nước ngoài vào biểu diễn tại Việt Nam, tôi đều thấy có sự khập khiễng trong trao đổi, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế. Nếu như giới trẻ Việt Nam phát cuồng vì thần tượng thì văn hóa Việt Nam ra thế giới chưa làm được điều ngược lại”. 

Khán giả trẻ quay lưng với các bộ môn kịch hát dân tộc

Giới trẻ không có lỗi

Ông Vương Duy Biên cũng chia sẻ thêm, ngày còn làm Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), ông đã tham dự nhiều chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc có sự đầu tư tiền từ Nhà nước. Chương trình dàn dựng rất công phu và tốn kém nhưng vẫn không có khán giả. Làm ở tỉnh nào, chương trình đều nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh đó nhưng khâu cần thiết nhất là người xem thì lại… thiếu. Đất nước đang mở cửa, nền văn nghệ dân tộc ngày càng bị các luồng văn hóa từ nước ngoài lấn lướt. Âm nhạc dân gian, âm nhạc dân tộc cứ mờ dần bản sắc. Một bộ phận giới trẻ không hiểu hết giá trị của âm nhạc truyền thống, hướng vào âm nhạc thương mại, âm nhạc nước ngoài khiến cho những người hoạt động âm nhạc dân tộc hết sức khó khăn. 

Nhưng nói cho cùng, giới trẻ không có lỗi mà nguyên nhân đến từ cách giáo dục của gia đình và nhà trường cũng như chính sách của Nhà nước đối với phần tinh túy của dân tộc-âm nhạc dân tộc. Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha đã rất khẳng khái khi chỉ ra điều này bởi ông rút ra từ chính cuộc đời mình. Ngày còn trai trẻ, Nguyễn Thụy Kha cũng giống như giới trẻ Việt Nam hiện nay, rất mê nhạc Tây mà xao nhãng nhạc dân tộc nhưng chỉ đến khi vào chiến trường, được nghe các anh lính ca cải lương, ca vọng cổ, ông mới thấm thía cái hay của nhạc dân tộc và những câu hát ấy đã theo ông đi suốt chiều dài cuộc chiến tranh vào sinh ra tử và làm nên sức mạnh để ông vượt qua bom đạn. Từ đó mà suy, Nguyễn Thụy Kha cho rằng, giáo dục âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ đóng vai trò quyết định để đưa một nền âm nhạc đáng tự hào của Việt Nam thoát khỏi tình cảnh bị “ghẻ lạnh” ngay tại nơi đã sinh ra.