Trong khi Ukraine mơ về tên lửa ATACMS thì Triều Tiên chế tạo 'bản sao' vượt trội

ANTD.VN - Triều Tiên đã chế tạo thành công "bản sao" tên lửa ATACMS của Mỹ, nhưng vũ khí của họ còn mạnh hơn bản gốc, đây là điều mà Ukraine không làm được.

Với trình độ ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, lẽ ra họ có thể chế tạo vũ khí mạnh hơn tên lửa ATACMS của Mỹ, nhưng rốt cuộc Kyiv lại đang phải mong chờ Washington viện trợ cho mình.

Nỗ lực của Ukraine nhằm tạo ra hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Grom-2 với tính năng tương tự Iskander-M của Nga đã thất bại. Bây giờ ước muốn như vậy đơn giản đã trở nên hoàn toàn không thể.

Bộ tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine chỉ còn biết hy vọng vào những quả Tochka-U còn sót lại từ thời Liên Xô, thậm chí họ hy vọng Mỹ sẽ cung cấp cho mình tên lửa MGM-140 ATACMS, có khả năng tấn công mục tiêu cách xa 300 km.

Tên lửa ATACMS có thể sử dụng từ bệ phóng M142 HIMARS hoặc M270 MLRS, giúp Ukraine tiêu diệt kẻ địch từ cự ly xa gấp 4 lần so với loại đạn GMLRS hiện nay

Nhưng hiện tại Mỹ vẫn chưa công bố sẽ giao vũ khí trên cho Ukraine, nếu ngành công nghiệp quốc phòng của Kyiv chưa bị suy tàn, họ hoàn toàn có thể tự sản xuất loại tên lửa này tương tự như cách Triều Tiên thực hiện.

Vào năm 2019, Triều Tiên đã gây ngạc nhiên khi thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo có bề ngoài giống hệt MGM-140 ATACMS của Mỹ, vũ khí này sau đó được biết đến với tên định danh KN-24.

Cấu hình bệ phóng tên lửa KN-24 của Triều Tiên mang nhiều nét tương đồng với M270 MLRS, đó là 2 quả đạn được đặt trong ống phóng dạng container gắn trên khung gầm xe bánh xích.

Theo thông báo, tên lửa đạn đạo chiến thuật thế hệ mới của Triều Tiên đã vượt qua quãng đường dài 400 km, vươn tới độ cao 48 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.

Nguồn gốc của tên lửa đạn đạo loại mới lần đầu Triều Tiên cho ra mắt đã gây không ít bối rối cho các chuyên gia quân sự, cũng như các nhà phân tích tình hình khu vực.

Nếu như với quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ cùng Nga và Trung Quốc, Triều Tiên có thể tiếp cận công nghệ tên lửa Iskander-M hay M20 để tạo ra KN-23, thì chưa rõ họ lấy được bí mật MGM-140 ATACMS từ nguồn nào để làm KN-24.

Khó có chuyện Triều Tiên lấy được công nghệ vũ khí Mỹ, ngoài ra chẳng quốc gia nào mạo hiểm đi tiết lộ bí mật của tên lửa MGM-140 ATACMS cho Bình Nhưỡng nếu không muốn hứng chịu đòn trừng phạt.

Do vậy giả thiết được nhắc đến nhiều nhất khi đó là tình báo Triều Tiên đã âm thầm xâm nhập vào trong Quân đội Hàn Quốc và lấy được thông số tên lửa MGM-140 ATACMS mà nước này sử dụng.

Giả thiết trên nhận được nhiều ý kiến đồng tình, bởi mạng lưới tình báo Triều Tiên trên đất Hàn Quốc theo đánh giá vẫn còn rất dày đặc và họ đã luồn sâu được vào bộ máy quân sự đối phương.

Về phần Triều Tiên, không rõ vì sao họ còn phải chế tạo thêm tên lửa KN-24 "bản sao" của MGM-140 ATACMS bởi vì vũ khí này có tính năng kỹ chiến thuật bị nhận xét thua kém rất nhiều so với KN-23

Có khả năng Triều Tiên muốn học tập Mỹ đó là tăng tính cơ động và sức mạnh cho pháo binh khi chế tạo một loại tên lửa phóng được từ bệ pháo phản lực bắn loạt.

Ngoài ra giá thành của tên lửa đạn đạo chiến thuật KN-24 sao chép MGM-140 ATACMS cũng được cho là rẻ hơn đáng kể so với loại KN-23 mô phỏng Iskander-M.

Đối với Ukraine, nếu họ đủ khả năng, có lẽ Mỹ sẽ sẵn sàng cung cấp công nghệ tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140 ATACMS để Kyiv sản xuất tại chỗ.

Nhưng hiện tại, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine đã bị tàn phá nặng nề, thậm chí đã có sự suy tàn rõ rệt từ trước khi chiến tranh nổ ra, bởi vậy giờ đây Kyiv chỉ có thể nhìn sang Triều Tiên và mơ ước.