Trôi nổi “rác bệnh viện”

ANTĐ - Rác thải y tế luôn nguy hiểm với sức khỏe con người và môi trường. Song, do khâu kiểm soát vẫn còn nhiều lỏng lẻo dẫn tới một lượng không nhỏ rác y tế bị thất thoát ra bên ngoài trước khi được xử lý đúng quy định.
Nhiều bệnh viện vận chuyển rác trong những xe, thùng không có nắp đậy

Vô cùng độc hại

Theo điều tra mới đây của Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), tổng lượng chất thải rắn (CTR) y tế trong toàn quốc khoảng 100-140 tấn/ngày, trong đó có 16-30 tấn/ngày là CTR y tế nguy hại. Lượng CTR trung bình là 0,86kg/giường/ ngày, trong đó CTR y tế nguy hại tính trung bình là 0,14 - 0,2 kg/giường/ngày.

Trong các loại CTR y tế, có nhiều loại thuộc diện “nguy hiểm” như chất thải chứa các vi trùng gây bệnh (phế thải từ phẫu thuật, các cơ quan nội tạng sau khi mổ xẻ...) hoặc một số loại chất thải độc hại hơn như chất phóng xạ, hóa chất dược... Thủ đô Hà Nội, là địa phương có số rác thải y tế cao nhất cả nước, lên tới hơn 5.000 tấn/năm.

Theo khảo sát của Bộ TN-MT, tính riêng 36 bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý, tổng lượng CTR y tế phát sinh trong 1 ngày là 31,68 tấn, trung bình là 1,53 kg/giường/ ngày. Lượng chất thải phát sinh tính theo giường bệnh cao nhất là Bệnh viện Chợ Rẫy 3,72 kg/giường/ngày, thấp nhất là Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Trung ương và Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 với 0,01 kg/giường/ngày. 

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), hầu hết các CTR y tế là các chất thải sinh học độc hại và mang tính đặc thù so với các loại CTR khác. Các loại chất thải này nếu không được phân loại cẩn thận trước khi xả chung với các loại chất thải sinh hoạt sẽ gây ra những nguy hại đáng kể. 32% tổng lượng CTR y tế xử lý không đạt chuẩn là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Không thể kiểm soát

Dù được nhận diện là “nguy hiểm” nhưng báo cáo kiểm tra của các tỉnh và nhận xét của đoàn kiểm tra liên bộ cho biết, còn có hiện tượng phân loại nhầm chất thải, một số loại chất thải thông thường được đưa vào chất thải y tế nguy hại gây tốn kém trong việc xử lý. Chất thải y tế đã được chứa trong các thùng đựng riêng. Tuy nhiên, chỉ có một số ít bệnh viện có thùng đựng chất thải theo đúng quy chế (bệnh viện Trung ương và bệnh viện tỉnh). Đáng lưu ý, chỉ có 53% số bệnh viện chất thải được vận chuyển trong xe có nắp đậy. Chỉ có 53,4% bệnh viện có nơi lưu giữ chất thải có mái che, trong đó, có 45,3% đạt yêu cầu theo quy chế quản lý chất thải y tế.

Cũng theo Tổng cục Môi trường, phương tiện thu gom chất thải còn thiếu và chưa đồng bộ, hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn. Nguyên nhân do có rất ít nhà sản xuất quan tâm đến mặt hàng này, do vậy mua sắm phương tiện thu gom CTR đúng tiêu chuẩn của các bệnh viện gặp khó khăn. Đã vậy, hoạt động vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ bệnh viện, cơ sở y tế đến nơi xử lý, chôn lấp hầu hết do Công ty Môi trường đô thị đảm nhiệm, không có các trang thiết bị đảm bảo cho quá trình vận chuyển an toàn. Nhiều địa phương chưa có cơ sở tái chế, do vậy việc quản lý tái chế các CTR y tế không nguy hại còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, đã phát hiện nhiều hiện tượng đưa CTR y tế ra ngoài bán, tái chế trái phép thành các vật dụng thường ngày. Việc tái sử dụng các găng tay cao su, các vật liệu nhựa đã và đang tạo ra nhiều rủi ro cho những người trực tiếp tham gia như các nhân viên thu gom, những người thu mua và những người tái chế phế liệu...

Liên quan tới xử lý rác thải nguy hại, Bộ TN-MT cũng phát hiện bên cạnh lý do về công nghệ và trình độ quản lý, thiếu kinh phí vận hành là yếu tố quan trọng dẫn đến các lò đốt hoạt động phân tán, không đạt hiệu quả. Số lượng lò đốt xử lý CTR y tế đã được lắp đặt tại các cơ sở y tế tại Việt Nam là khá nhiều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, trong số đó có tới hơn 33% số lò không được hoạt động với nhiều lý do khác nhau. Với tuyến y tế cấp tỉnh, CTR y tế phần lớn được thuê xử lý (rủi ro, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, khó kiểm soát chất lượng), công tác tự xử lý bằng lò đốt chỉ chiếm số lượng không nhiều. Còn với tuyến y tế cấp huyện, công tác xử lý chất thải y tế hết sức đa dạng, phong phú với nhiều loại hình khác nhau và khó có thể kiểm soát.