Triều Tiên lớn tiếng tuyên bố "làm rung chuyển thế giới" bằng các vụ thử tên lửa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 8-2, Triều Tiên tuyên bố, họ là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa tiên tiến, có khả năng đối đầu với Mỹ bằng các vụ thử nghiệm tên lửa "làm rung chuyển thế giới".

Căng thẳng quốc tế đang gia tăng sau một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên gần đây, hành động vốn bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm từ lâu. Tháng 1-2022 là tháng kỷ lục về các vụ thử như vậy, với ít nhất 7 vụ phóng, trong đó phải kể đến vụ phóng thử một loại "tên lửa siêu thanh" mới có thể cơ động ở tốc độ cao.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết, các cuộc thử nghiệm tên lửa kể trên chứng minh "những thành tựu đáng kể" giúp tăng cường "khả năng răn đe chiến tranh" của nước này.

Trong số các cuộc thử nghiệm gần đây, đáng lưu ý là vụ bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung mang tên Hwasong-12 - tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm xa nhất mà Triều Tiên từng phóng lần đầu vào năm 2017, loại tên lửa được cho mang đầu đạn hạt nhân và có khả năng tấn công các vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Hãng tin Reuters đã dẫn tuyên bố ngày 8-2-2022 đăng tải trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên: "Hiện nay, trên thế giới, chỉ có đất nước chúng tôi có thể làm rung chuyển thế giới bằng một vụ phóng tên lửa với tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ".

Các vụ thử nghiệm tên lửa từ tàu ngầm được Triều Tiên thực hiện liên tiếp ngay trong những ngày đầu năm mới 2022
Các vụ thử nghiệm tên lửa từ tàu ngầm được Triều Tiên thực hiện liên tiếp ngay trong những ngày đầu năm mới 2022

"Có hơn 200 quốc gia trên thế giới, nhưng chỉ một số ít có bom nhiệt hạch, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa siêu thanh", tuyên bố nêu thêm.

Khi được yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu lại quan điểm đã từng tuyên bố trước đây, rằng Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên và kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đối thoại, mặc dù thiện ý này của Washington vốn đã bị Bình Nhưỡng kiên trì phớt lờ lâu nay.

Tuy vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhận định Triều Tiên là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế và các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.

"Mỹ có trọng trách trong việc răn đe, phòng thủ trước các hành động khiêu khích hoặc sử dụng vũ lực, hạn chế phạm vi tiếp cận các chương trình vũ khí nguy hiểm, với mục đích là giữ an toàn cho người dân Mỹ, các lực lượng đã triển khai và các đồng minh", người phát ngôn cho biết.

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết họ lo ngại vụ phóng Hwasong-12 vào ngày 30-1-2022 vừa qua có thể là bước đệm tiến tới việc nối lại hoàn toàn các vụ thử ICBM hoặc vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Triều Tiên đã không thử hạt nhân hay bắn ICBM kể từ năm 2017.

Các vụ phóng tên lửa, theo nhận định của các chuyên gia, chính là cách để Triều Tiên phát đi thông điệp rằng, Triều Tiên luôn dành ưu tiên bậc nhất cho quốc phòng bất chấp những khó khăn về kinh tế.