Triệt phá “sàn vàng” huy động vốn trái phép

ANTĐ - Nhà đầu tư có khả năng mất trắng hàng trăm tỷ đồng vì ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng tài khoản tại Công ty HGI. Theo cơ quan công an, con số bị hại ngày càng tăng tuy nhiên tài khoản doanh nghiệp đã rỗng.

Triệt phá “sàn vàng” huy động vốn trái phép ảnh 1Cơ quan công an đọc lệnh khám xét trụ sở Công ty HGI

Vừa lập sàn vàng “ảo”, vừa ủy thác đầu tư

Ngày 13-1, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đang tạm giữ 9 đối tượng liên quan đến vụ kinh doanh vàng tài khoản, huy động vốn trái phép xảy ra tại Công ty CP đầu tư tài chính Hà Nội Vàng (HGI), có trụ sở tại tầng 3 và 4 tòa nhà Artex, số 172 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Ngày 12-1, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (CATP Hà Nội) và Cục Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp đối với các đối tượng liên quan, thu giữ nhiều máy tính, ổ cứng lưu dữ liệu và tang vật liên quan. 

Thượng tá Hà Thị Hằng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao thông tin, qua công tác nắm tình hình, đơn vị này phát hiện một số đối tượng thành lập Công ty HGI để dụ dỗ khách hành góp vốn đầu tư rồi chiếm đoạt. Thủ đoạn của đối tượng là “vẽ” ra hoạt động kinh doanh vàng tài khoản nhằm huy động vốn trái phép từ nhà đầu tư. Sau khi lực lượng chức năng Bộ Công an liên tiếp triệt phá 2 “sàn vàng ảo” tại Công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái và Công ty TNHH tư vấn đầu tư 24Gold Duệ Bác, các đối tượng điều hành HGI đã rút lui, sau đó hoạt động bí mật, trá hình.

Triệt phá “sàn vàng” huy động vốn trái phép ảnh 2Cơ quan công an tạm giữ những người liên quan để điều tra làm rõ

Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao bước đầu xác định Công ty HGI thành lập từ giữa năm 2009, bắt đầu hoạt động kinh doanh vàng tài khoản từ thời điểm đó đến nay. Tổng Giám đốc HGI là Phùng Quốc Huy (SN 1985, ở phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Cùng tham gia điều hành công ty này còn có 8 người khác là các cổ đông, thành viên sáng lập, kế toán trưởng hoặc nhân viên kỹ thuật. Quá trình tổ chức sàn giao dịch vàng tài khoản, Công ty HGI sử dụng website: hgi.com.vn và sử dụng phần mềm do nước ngoài sản xuất để nhà đầu tư có thể giao dịch mua bán vàng, bạc, dầu và 8 cặp ngoại tệ phổ biến trên thế giới. Theo thỏa thuận, nhà đầu tư sẽ nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản cho Công ty HGI còn công ty này cấp tài khoản để nhà đầu tư tham gia giao dịch. Cứ 21.000 đồng chuyển vào tài khoản tương ứng 1 điểm. Đến nay, đã có 3.037 nhà đầu tư tham gia kinh doanh vàng tài khoản tại HGI.

Bên cạnh việc kinh doanh vàng tài khoản, cơ quan công an phát hiện, từ tháng 5-2012 đến nay, Công ty HGI còn tổ chức huy động vốn dưới dạng hợp đồng ủy quyền, ủy thác đầu tư. Giống như Công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái, HGI đưa ra mức lãi suất khủng (từ 1,5 đến 2%/tháng) để kêu gọi người gửi tiền. Nếu giới thiệu được nhà đầu tư, nhân viên và kế toán Công ty HGI sẽ lần lượt được hưởng 0,3% và 2,5% số tiền ủy thác. Đến nay, cơ quan công an xác định, HGI đã nhận của các nhà đầu tư 270 tỷ đồng và hiện không có khả năng thanh toán. Đối với số tiền huy động, Công ty HGI đã sử dụng để mua 5 hecta đất tại Phú Quốc, xây dựng xưởng gốm và chi trả cho các hoạt động của công ty. Riêng tại Đà Nẵng có 61 khách hàng ủy thác đầu tư với số tiền 14,3 tỷ đồng và 531 nhà đầu tư kinh doanh vàng tài khoản với số tiền gần 16 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu từ chi nhánh Đà Nẵng được chuyển ra Hà Nội, sau đó đầu tư vào một công ty tại Mỹ.

Triệt phá “sàn vàng” huy động vốn trái phép ảnh 3Nhiều bị hại lo sợ mất trắng khoản tiền đầu tư, ủy thác

Công ty “rỗng ruột”, bị hại hoang mang

Những ngày vừa qua, nhiều khách hàng và nhà đầu tư đã kéo đến trụ sở Công ty HGI để đòi lại tài sản, tuy nhiên không một ai nhận lại được khoản tiền đã đầu tư vào HGI. Cơ quan chức năng xác định, tài khoản Công ty HGI đã “rỗng ruột”, hàng chục nhân viên làm việc tại đây cũng bị nợ lương từ nhiều tháng nay. Bị hại trong vụ án có đủ thành phần. Từ những người thiếu hiểu biết bị dẫn dụ, cho đến những người hám lãi suất cao, gom tiền đến gửi để hưởng chênh lệch. Một trong số nạn nhân là bà Nguyễn Thị Luận (ở phố Tôn Đức Thắng) cho biết, vì tin tưởng cháu họ đang làm ở công ty này nên đã mang toàn bố số tiền bán căn chung cư đến gửi lấy lãi. “Lúc đến, tôi mải ký tá, giao nhận tiền, không đọc kỹ điều khoản hợp đồng. Hai ngày sau thấy nội dung cam kết có vấn đề, tôi quay lại rút tiền nhưng công ty cứ khất lần. Đến nay đã tròn 5 tháng”. Bà Luận cho biết, hiện giờ tiền không lấy được để mua nhà mới, bà không còn nơi tá túc, phải ở nhờ nhà người quen.

Cũng chung hoàn cảnh bi đát, gia đình ông Ngô Hồng Quân (ở Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội) đang có nguy cơ mất trắng hơn 1 tỷ đồng tiền gửi. Từ chỗ đang có tiền tỷ trong tay, giờ ông Quân đang phải ngày ngày vật lộn để mưu sinh, trả tiền thuê trọ. Khi HGI mới hoạt động, gia đình ông Quân đã vài lần gửi tiền tại đây. Thấy lãi suất cao mà việc rút lại diễn ra dễ dàng, người đàn ông này đã gửi toàn bộ số tiền bán căn hộ cũ. “Gần 3 tháng nay cả nhà tôi phải ở trọ. Mà họ thì vẫn cứ khất lần. Nếu không đòi được tiền, tôi thật sự không biết sẽ sống ra sao”.