Nhà văn Kim Lân và NSND Nguyễn Đăng Bảy trong vườn hoa nhà văn tự tay trồng
Bác Tuân thỉnh thoảng đến nhà chơi, ngồi uống trà với bố ở phòng ngoài, tôi còn nhỏ ngồi ở trong nhà lắng nghe hai người nói chuyện như nuốt từng lời. Các cụ nói về văn chương, công việc, về thế sự, về cây, về hoa, về chim, về cá, về đồ cổ, đủ thứ chuyện, chuyện gì các cụ nói cũng hay, cũng ý nghĩa - cứ rầm rì, râm ran, khúc khích, có lúc cười vang khắp nhà.
Bố tôi trồng cúc, cúc đại đoá đỏ sậm bên trong mướt như nhung, bên ngoài cánh hoa tím phớt, hoa to như cái bát lớn, cánh rủ xuống cong cong - trồng đỗ quyên hoa đỏ điều, rực cả góc vườn, cánh hoa rụng xuống ông nhặt hết để bón lại cho cây.
Thanh mai trắng toát, chi mai hoa trắng nhụy điểm hồng điều, trồng trong chậu chữ nhật bố tự làm, cành rủ nghiêng nghiêng trông thật long lanh sang trọng. Thanh lan hoa màu xanh non, gân hoa xanh đậm, Mạc Lan hoa màu nâu vàng, gân nâu tím sậm, nhành hoa thanh mảnh vươn thẳng, cao quý, mùi hương thoang thoảng nhẹ nhàng, thoắt ẩn, thoắt hiện.
Vườn nhà bé tý, chẳng hiểu sao bố tôi vẫn biến nó thành nơi đẹp nhất, theo mùa, theo tháng, theo năm, biến ảo như trò ảo thuật, thiên nhiên lộng lẫy, vẻ đẹp muôn màu biến đổi trong mảnh vườn nhỏ bé tuổi thơ của tôi như một giấc mơ.
Cứ theo mỗi mùa, hoa trổ, bố cắt một cành hoa rồi đưa cho tôi, lúc nào cũng dặn đúng một câu: “Con mang nhành hoa này đến biếu bác Tuân”.
Tôi cứ nghĩ, có lẽ tôi là “người đưa thư” đẹp nhất, sang trọng nhất. Nâng niu cành hoa bố đưa, rộn ràng sung sướng đi bộ từ ngõ Hà Hồi đến nhà bác ở Trần Hưng Đạo, leo lên cầu thang, gõ cửa, phần nhiều bác gái ra mở, thấy tôi là gọi: “Ông ơi, cháu Hiền con anh Kim Lân mang hoa lại cho ông này!”. Bác Tuân ra cửa mời tôi vào, bác cầm nhành hoa ngắm nghía, tìm cái lọ thích hợp và cắm bông hoa vào, vừa ngắm hoa vừa nói, bác cảm ơn bố cháu, cảm ơn cháu nhé, rồi có lúc bác lại đưa tôi gói trà ngon, nói: “Bác gửi biếu bố cháu, mang về cho bác nhé”.
Một lần bố tôi trồng một cây đào dưới cửa sổ, hoa đào nở to kín đặc từ dưới lên ngọn dày như đuôi cáo, ông cắt một cành đào nói “con mang cành hoa này đến biếu bác Tuân”. Tôi khệ nệ bê cành hoa mà tôi chưa từng thấy trong đời, thế cây tự nhiên, hoa cánh dày phớt hồng, phủ kín hết cành Bác Tuân nhìn cành hoa đào tôi mang tới, thốt lên “Ồ, bác chưa từng thấy cành đào nào đẹp như thế này trong đời” và nói thêm “Hiền ạ, bố cháu là người yêu cây, yêu hoa lắm nên cây và hoa đã không phụ lòng bố cháu mà cho ra những cành hoa lạ lùng, tuyệt đẹp như thế này đấy”.
Nhớ lần bác Tuân đến nhà chơi, bố tôi hái một nhành Thanh lan biếu bác, cầm nhành lan trong tay ngắm nghía, bác nói: “loài Thanh lan, này thanh mảnh, nhẹ nhàng, phải chăm chút lắm mới trồng được để ra hoa, mùi hương thì thoắt ẩn, thoắt hiện thanh cao, quý phái thật là ý tứ dịu dàng khiến mình phải đi tìm, như có, như không chẳng như cây hoa sữa, mùi thơm cứ tự nhiên xộc thẳng vào mũi người ta, thật chẳng, ý tứ gì cả”. Bác nói vậy vì ngay bên cạnh nhà tôi có một cây hoa sữa, cao to, đến mùa hoa đôi lúc thơm đến quá đáng, cứ ngàn ngạt chiếm cứ cả khoảng không gian quanh nó.
Bố tôi và bác Tuân còn có thú uống trà và chơi đồ cổ, thi thoảng mang hoa đến tặng bác, bác lại đưa ít trà ngon, có lúc cái đĩa, cái bát cổ gói lại đưa tôi nói, cháu mang về nói bác tặng bố cháu nhé.
Bố tôi thích đồ cổ, chẳng hiểu cụ sưu tập ở đâu. Lúc nhỏ, tôi phục sát đất, cầm một mảnh vỡ lên là cụ nói à đồ Lý đây, à đồ Trần, đồ Lê, đồ Mạc đây. Cứ là trợn tròn mắt mà phục sát đất, chẳng hiểu sao một mảnh vỡ nhỏ mà bố tôi biết ngay đồ này ở thế kỷ nào rồi.
Bác Tuân và bố tôi, nhiều lúc tôi nghĩ cứ như một đôi bạn yêu quý nhau đang làm duyên làm dáng với nhau vậy, đôi lúc cũng giận, cũng hờn, cũng dỗi, mà vẫn yêu quý nhau, tôi còn bé, mà đôi lúc cũng phải buồn cười vì cái tình của hai cụ.
Cái nghề đã chơi đồ cổ, thế nào trong số đồ cũng phải có một vài món chủ đạo, gọi nôm na ra là “cái đinh” giá trị nhất, những món khác chỉ để bày phụ hoạ, có đồ đẹp thế nào bố tôi cũng mời bác Tuân đến xem - vừa uống trà, vừa xem, vừa bình luận - biết bác Tuân thích cái gì, bố tôi thường biếu bác, có những món bố tôi rất thích, bác Tuân đến, ngắm nghía, khen đẹp thích lắm, rồi đi về, một hai hôm sau lại đến, ngắm nghía, khen đẹp lại đi về, cứ thủng thẳng nhẩn nha như vậy, lần nào đến cũng chỉ nhấc đúng món đó lên ngắm nghía, khen đẹp rồi về. Bố tôi biết ý, nhưng cứ như đang vờn nhau. Bố tôi cũng đang mê món đồ ấy lắm, nhiều lúc cầm món đồ ngắm nghía, mặt mũi bần thần, lại cất vào tủ. Tôi biết bố tôi đang ngổn ngang trong dạ lắm đây.
Hai cụ cứ vờn nhau như thế cho đến một ngày hoặc là bố tôi đầu hàng, khi bác Tuân đến, lại cầm món đồ xem, ngắm, khen đẹp, bố tôi đành rứt ruột nói: “Thôi thì tôi xin biếu anh!”, bác Tuân cười phá lên, bố tôi cũng cười phá lên. Cả hai hiểu lòng dạ nhau lắm, nhưng cứ vờn nhau như thế! Cũng có lúc cuộc đấu không phân thắng bại - bác Tuân đến ngắm đồ, khen đẹp rồi về, bố tôi lại cất vào tủ, cuộc vờn nhau kéo dài đến một ngày không chịu được bác Tuân nói: “Anh tặng cho tôi món đồ này”, bố tôi biết trước thế nào bác cũng nói câu đấy, nhưng vẫn thất sắc, ngồi thịch xuống ghế thất thần, bác Tuân cười khà khà nói “Tôi mang về nhé”, bố tôi nghẹn ngào “Anh mang về đi” rồi gói lại đưa cho bác - bác Tuân về rồi bố tôi ngồi ôm đầu than: “Ối giời ơi món đồ đẹp nhất trong bộ sưu tập của tôi ông ấy lấy mất rồi, gớm cái ông này sao mà tinh thế không biết”. Thế rồi vì mất “cái đinh chủ”, bố tôi lại cho đi hết bộ sưu tập của mình vì chán không muốn giữ nữa. Than thì than vậy thôi, có đồ đẹp bố lại mời bác Tuân đến ngắm, cùng nhau trầm trồ, cùng nhau thích thú rồi lại chơi trò vờn nhau, đôi lúc tôi cứ tủm tỉm cười xem các cụ chẳng khác nào con trẻ.
Các cụ chơi với nhau cứ như vậy, ngoài chuyện văn chương thì là chuyện chiều nhau, hơn là chiều vợ, chẳng bao giờ có chuyện tiền nong gì ở đây, giống như văn thơ hay, phải có người hiểu và chia sẻ, cái đẹp, phải có người thưởng ngoạn chung mới hiểu hết được giá trị của nó như là tri kỷ vậy. Hai cụ đều là người thích cái đẹp và đều là người có thú thưởng ngoạn giống nhau.
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Chu Văn Sơn từng nói: “Kim Lân là nhà văn viết về thú vui chơi dân dã nhưng phong lưu của vùng nông thôn Kinh Bắc, nhà văn Nguyễn Tuân viết về những thú vui chơi phong lưu của thành thị, vì vậy trong làng văn nói về thú vui chơi phong lưu có Kim Lân không thể không có Nguyễn Tuân, có Nguyễn Tuân không thể không có Kim Lân, như là cặp bài trùng vậy”. Thật đúng như vậy, cả hai cụ đều là người yêu và say mê cái đẹp đến tận cùng, có những thú chơi tao nhã, thanh cao chẳng vụ lợi gì.
Sau khi tôi vào Nam sống, nhớ một lần đưa con gái ra Hà Nội thăm ông bà, bố mẹ tôi làm một mâm cơm mời bác Nguyễn Tuân, bác Tô Hoài đến ăn, bác Tuân lại nhắc lại thuở “giao liên” một thời của tôi ngày nào, nói tôi nay đã lớn, thành tài, chụp chung với các bác bức ảnh. Tiễn bác Tuân ra cửa, bác nói cháu đi bộ với bác ra đầu đường Hà Hồi - Trần Hưng Đạo, lại nhắc lại chuyện tôi ngày xưa mỗi lần mang hoa đến biếu bác, bác còn nói, bác biết cháu đã vẽ chân dung cho các Đại sứ nước ngoài rất nhiều, “Bác muốn cháu vẽ cho bác một bức chân dung của bác”, tôi hứa với bác - vâng, cháu sẽ vẽ bác, thế rồi tôi vào Nam, định một ngày nào thu xếp ra Bắc vẽ bác như đã hứa, lời hứa của tôi đã không thực hiện được. Vào Nam chưa được 2 tháng sau thì bác mất, chẳng thể mang hoa lần cuối đến thăm bác, bố tôi mang một giò lan vào khi bác đã hôn mê, vẫn nói một câu rằng, khi bác tỉnh dậy bác sẽ biết ngay ai là người đã mang hoa này đến. Bác Tuân ra đi, lời hứa vẽ chân dung bác tôi vẫn chưa thực hiện được, tôi vẫn nợ bác một lời hứa.
Khi được Thu Giang, con gái bác tặng tôi cuốn “Cỏ độc lập” của bác, tôi đã để lên bàn thờ bố tôi thắp nén nhang báo với bố biết đây là quyển sách của bác Tuân in trên giấy điệp rất đẹp và tôi đã lấy một phần chữ viết tay của bác đưa vào bộ tranh “Những con chữ” của mình để chào mừng Hà Nội nghìn năm tuổi.
Tôi cũng xin sẽ thực hiện lời hứa vẽ bác trong tâm nguyện của tôi khi thực hiện vẽ “Chân dung bạn bè và những người cùng thời” của mình sắp tới.