Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ giường bệnh trên 1 vạn dân ít nhất phải đạt 33 giường. Ở Nhật Bản là 140 giường, ở Hàn Quốc là 86 giường, còn Việt Nam chỉ đạt 20,5 giường trên 1 vạn dân. Sau khi Luật Bảo hiểm y tế được ban hành, bệnh nhân khám chữa bệnh ở bất cứ tuyến nào cũng được chi trả khiến người dân “vượt tuyến” cho dù phải chịu cảnh nằm ghép. Một nguyên nhân thường được lý giải là do chất lượng y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, nhưng qua nhiều cuộc điều tra thì chất lượng không hẳn là yếu tố đầu tiên mà người bệnh tính đến.
Theo Phó Chủ tịch Hội Kinh tế y tế Việt Nam, những nỗ lực giảm tải mà các bệnh viện đang thực hiện như kê thêm giường, tăng giờ khám chữa bệnh, giảm ngày điều trị chỉ là giải pháp “phần ngọn”. Hiện đang tồn tại hai tình trạng là quá tải thật và quá tải “ảo”. Quá tải thật là vì các bệnh viện tuyến dưới thiếu các chuyên khoa như tim mạch, ung thư, chấn thương chỉnh hình, nhi… cũng như thiếu bác sĩ giỏi chuyên môn, vì vậy bệnh nhân phải vượt lên tuyến trên để yên tâm chữa trị. Còn quá tải “ảo” là do người bệnh thường vượt tuyến trong khi bệnh tật không đến mức quá nghiêm trọng. Điều tra của Bộ Y tế cho thấy có tới 60% bệnh nhân ở bệnh viện tuyến trên hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến dưới. Đương nhiên không thể “bắt” người bệnh chỉ điều trị ở tuyến dưới. Họ có quyền được chữa bệnh ở nơi tốt nhất, bác sĩ giỏi, dịch vụ tốt. Cũng phải thừa nhận một thực tế, còn nhiều bệnh viện thực sự không muốn giảm tải vì có quá tải thì mới nâng cao thu nhập.
Để trị bệnh… quá tải tận gốc, cùng với các giải pháp như phát triển hệ thống bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ở tuyến cơ sở, cần phải phân loại bệnh viện theo tuyến điều trị, nhất là nội trú. Quá tải thật hay quá tải “ảo” đều phải thực hiện những giải pháp đồng bộ cũng như cơ chế chính sách phù hợp. Trước tình trạng nan giải quá tải bệnh viện, Bộ Y tế vừa hoàn thiện Đề án giảm tải bệnh viện cấp Quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ. Trong 6 nhóm giải pháp của Đề án, giải pháp ưu tiên hàng đầu là mở rộng và xây mới cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng giường bệnh. Trước mắt, giảm tải cho các bệnh viện quá tải trầm trọng ở Hà Nội và TP.HCM.
Theo Quyết định 1259 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tập trung đầu tư xây dựng các tổ hợp y tế chất lượng cao tại các cụm đô thị Gia Lâm - Long Biên, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Sơn Tây. Đề án cũng đề xuất cách tổ chức phân loại và “lọc” bệnh nhân phù hợp với tuyến điều trị. Các quy định về phân tuyến kỹ thuật, phân tuyến điều trị sẽ được bổ sung, chặt chẽ hơn, hạn chế chuyển lên tuyến trên những bệnh nhân có thể “nằm yên” ở tuyến dưới.
Để “trị bệnh” quá tải bệnh viện, giải pháp “phân tuyến” của Bộ Y tế liệu có lại rơi vào tình trạng phân làn, phân luồng giao thông như hiện nay?