Tri ân những đóng góp, hy sinh của các thương binh, liệt sỹ

ANTĐ - Nhiều năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của CATP Hà Nội đã phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, từng bước giải quyết những khó khăn về đời sống cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình chính sách.
 

Thiếu tướng Trần Long Xuyên - Phó Giám đốc CATP Hà Nội (thứ ba từ trái sang)

dự lễ đón nhận danh hiệu liệt sỹ cho cố đồng chí Nguyễn Trọng Quang

- nguyên cán bộ hoạt động nội thành của Ty Công an Hà Nội hy sinh tháng 6-1948

Cùng với đó, con em của các liệt sỹ, thương binh khi có nguyện vọng đều luôn được ưu tiên tuyển chọn vào lực lượng CAND. 149 đồng chí thương binh hạng A; 10 đồng chí thương binh hạng B; 1 đồng chí là Anh hùng lực lượng vũ trang; 20 CBCS là thân nhân liệt sỹ giữ sổ và 451 gia đình liệt sỹ công an cư trú trên địa bàn Hà Nội… mỗi trường hợp, hoàn cảnh ấy luôn được CATP động viên, quan tâm, chia sẻ những khó khăn, vui buồn.

Một điểm nhấn sáng tạo trong công tác thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của CATP Hà Nội đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ trong những năm qua, đó là đã xây dựng và sử dụng hiệu quả các mô hình quỹ để kịp thời động viên, chia sẻ những trường hợp khó khăn. Hiện nay, CATP Hà Nội đang duy trì tốt 3 mô hình quỹ, là quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Tình nghĩa” và quỹ “Phòng chống thiên tai, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo”. Riêng năm 2011, các mô hình quỹ trên đã vận động đóng góp được hơn 2,3 tỷ đồng.

Tính đến  nay, Công an Hà Nội có hơn 300 liệt sỹ (trong đó có 9 Anh hùng liệt sỹ) đã được Nhà nước công nhận và trao Bằng Tổ quốc ghi công. Để ghi nhớ công lao của các Anh hùng liệt sỹ Công an Hà Nội, Ban Giám đốc CATP đã xây dựng tượng đài Liệt sỹ của Công an Hà Nội tại địa điểm 67 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Với mỗi CBCS Công an Thủ đô hôm nay, tượng đài Liệt sỹ của Công an Hà Nội luôn là địa chỉ lý tưởng để tri ân, ghi nhớ, học tập truyền thống quý báu của các Anh hùng, liệt sỹ, thương binh đã ngã xuống, đã đổ máu cho sự bình yên của Thủ đô.

Tin cùng chuyên mục