- Tôi và con gái cùng yêu một người đàn ông
- Phụ huynh nghèo “đau đầu” với kỳ nghỉ hè của con
- Hoa hậu Jennifer Chung mang niềm vui đến cho bệnh nhân ung thư
Nghỉ hè là… bị nhốt trong nhà
Nghỉ hè đối với em Hồng Hải (học sinh lớp 4, Hà Nội) mang ấn tượng vừa vui, vừa buồn. Vui vì được thoải mái đầu óc, không vướng bận sách vở, nhưng buồn vì phần lớn thời gian của em là loanh quanh trong nhà.
“Thi thoảng cuối tuần thì bố mẹ cháu có đưa đi chơi công viên, nhưng hầu như là ở nhà vì bố mẹ cháu bận suốt. Mẹ cháu dặn không được xuống đường vì sợ xe cộ. Mà ở nhà cũng bị cấm chơi game. Nên chán lắm cô ạ! Cứ thế này thì chỉ ở nhà đếm ngày chờ tới lúc đi học thôi”, Hải thật thà bày tỏ về khoảng thời gian nghỉ hè của mình.
Câu chuyện của Hải cũng là hoàn cảnh chung của nhiều em nhỏ hiện nay, khi bố mẹ các em có thu nhập ở mức trung bình, không có điều kiện để thuê người trông, cũng như không thường xuyên dẫn các em đi chơi dịp hè.
Nhịp sống gấp gáp của đô thị khiến nhiều gia đình không có thời gian dành cho trẻ trong dịp nghỉ hè
Chị Bùi Thu Huyền (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Con mình năm nay 12 tuổi. Cháu bắt đầu vào kỳ nghỉ hè rồi, nhưng nói thật là chỉ loanh quanh ở nhà thôi. Hai vợ chồng đi làm cả ngày, tối về bận cơm nước, nhà cửa nên có đưa được con đi đâu chơi. Mà nhét vào lớp học thêm nào đó thì nghĩ khổ thân nó. Ban ngày nắng nôi, cũng không muốn con ra đường, không yên tâm chút nào cả! Mà đi ra ngoài đó, dễ bị lôi kéo vào mấy quán chơi game, nguy hiểm lắm!”
Nghỉ hè bị… nhốt trong nhà có lẽ sẽ vẫn là câu chuyện kéo dài không có hồi kết của các em nhỏ, khi thực trạng thiếu sân chơi hay sân chơi kém chất lượng đang tồn tại phổ biến ở khắp các khu chung cư hiện nay.
“Sân chơi” ngày hè là… học?
Nhiều khu chung cư cũ hiện nay không có sân chơi cho trẻ em, hoặc nếu có thì những món đồ đu quay, xà… cũng rỉ sét do không được quan tâm, giữ gìn.
Chẳng hạn như tại khu tập thể K7 (Bách Khoa, Hà Nội), phần sân chung thậm chí còn bị nhiều gia đình ở tầng 1 chiếm dụng làm nơi để ô tô riêng, hoặc làm bãi trông xe của hộ kinh doanh tại đây. Điều đó khiến khoảnh sân đã nhỏ lại càng trở nên chật chội, và trẻ em càng không có không gian riêng để vui đùa.
Trong khi đó, các em nhỏ ở khu tập thể Kim Liên “hạnh phúc” hơn vì một số sân chơi không bị chiếm dụng, song những món đồ chơi chung không thực sự hấp dẫn các em, bởi rỉ sét, cũ và hỏng nhiều.
Một số địa điểm giải trí quen thuộc như khu Royal City, bể bơi Thái Hà, công viên nước Hồ Tây… thường chỉ dành cho các em vào dịp cuối tuần, khi bố mẹ tạo điều kiện.
Một giải pháp có lẽ được nhiều phụ huynh lựa chọn nhất hiện nay là… gửi con đi học thêm, vào một lớp ngoại khóa nào đó như dạy thể thao, cờ vua, vẽ, âm nhạc.
“Làm thế thì mình cũng nhàn. Sáng ra vẫn đưa con tới lớp, chiều đón. Lại yên tâm, vì có người trông chừng, cũng không lo nó lao vào mấy trò game vô bổ. Nhưng phải cái, lớp ngoại khóa không mở nhiều, có khi chỉ 2 buổi mỗi tuần”, chị Thanh Vân (Phương Mai) chia sẻ.
Dù vậy, với những gia đình có mức thu nhập hạn chế thì giải pháp này vẫn khó khả thi, vì họ lại phải chi ra thêm một khoản đáng kể.
Bên cạnh đó, phải kể tới những mô hình sinh hoạt xã hội rất ý nghĩa đã xuất hiện tại Hà Nội, song chưa thực sự được nhân rộng, như Câu lạc bộ Đọc sách cùng con ở K7 Bách Khoa. Đây là một sáng kiến để phụ huynh và các em nhỏ có điều kiện tiếp cận với tri thức phù hợp lứa tuổi, giúp thời gian nghỉ hè vừa vui lại bổ ích, lý thú. Được biết, CLB có chủ trương để các em nhỏ đọc sách miễn phí các ngày trong tuần, khoản phí thu cuối tuần cũng chỉ nhằm tổ chức các hoạt động phục vụ các em.
*****
Cho tới giờ, những câu hỏi như “Để con mình chơi ở đâu?” hay “Ai sẽ trông chừng chúng?” vẫn khiến nhiều gia đình đau đầu. Do vậy, những mô hình sinh hoạt tiết kiệm, bổ ích dành cho trẻ nhỏ trong dịp hè như Câu lạc bộ Đọc sách cùng con rất cần được khuyến khích và nhân rộng, để kỳ nghỉ hè của các em đúng nghĩa là thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một năm học bận rộn mới.