Tranh cãi trợ cấp nuôi con khi ly hôn: Nỗi đau bao giờ cũng thuộc về những đứa trẻ

ANTĐ - Ly hôn - con cái đã gánh chịu quá nhiều thiệt thòi vì thiếu hụt tình cảm của cha mẹ nhưng những đứa trẻ đáng thương ấy còn phải chịu đựng thêm những nỗi đau không đáng có từ tranh cãi của các ông bố, bà mẹ khi phân chia tài sản và  trốn tránh trách nhiệm nuôi con…

Ảnh có tính chất minh hoạ

Những hoàn cảnh trớ trêu

Sau 3 năm kết hôn, chị Nguyễn Thị Phương Linh được TAND huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa xử cho ly hôn với chồng. Vì con chị mới 2 tuổi, để đảm bảo quyền lợi của đứa trẻ, tòa đã xử cho chị được quyền nuôi con, đồng thời chồng chị có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 10kg gạo (tương đương với 38.000 đồng) từ tháng 5-1993 cho đến khi cháu bé tròn 18 tuổi (tháng 5-2009). Như vậy, tính đến thời điểm năm 2009, với giá trị 10kg gạo (tính giá gạo trung bình khoảng 150.000 đồng), cho thấy quyết định của tòa đến thời điểm này đã trở nên… lỗi thời. Và thế là tranh cãi nổ ra.

Hay trường hợp của anh Cao Thế Bàn và chị Đặng Thị Hường ở tỉnh Nam Định ly hôn năm 2002. Tòa tuyên chị Hường nuôi dưỡng đứa con chung của hai vợ chồng lúc đó 12 tuổi và buộc anh Bàn cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 200.000 đồng đến khi cháu bé tròn 18 tuổi (năm 2008). Chị Hường cho rằng, vào thời điểm vợ chồng ly hôn, mức cấp dưỡng 200.000 đồng còn chấp nhận được, nhưng 6 năm sau, mức này phải tăng lên 10 lần mới đủ một nửa nhu cầu ăn học của cô con gái. Chị Bàn yêu cầu trợ cấp thêm cho con thì nhận được sự  từ chối thẳng thừng vì: "Tòa chỉ yêu cầu tôi thế, cô lấy cớ gì mà đòi thêm?".

Đấy là với các trường hợp cấp dưỡng định kỳ, còn việc cấp dưỡng một lần cũng nhiều chuyện đáng bàn. Không muốn "dây dưa" thêm với nhau sau cuộc hôn nhân chẳng mấy ngày hạnh phúc, khi Tòa tuyên giao cho anh Khuất Đức Hạnh nuôi con, chị Trần Trà My quyết định cấp dưỡng nuôi con một lần để tiện theo người mới đi định cư ở nước ngoài. Cậu con trai 8 tuổi sống cùng bố, nhận số tiền hơn 20 triệu đồng "trách nhiệm của mẹ" (180.000 đồng/tháng). Thế nhưng, cậu bé lại không khỏe mạnh, ốm đau triền miên khiến số tiền trên chỉ được một thời gian ngắn. Hiện tại, hai bố con sống khá chật vật với khoản thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng của anh Hạnh, nhưng cũng không thể trông chờ gì ở người mẹ vì chị My cho rằng mình đã "hoàn thành trách nhiệm" từ 10 năm trước! Anh Hạnh đưa ra lý do luật quy định người được cấp dưỡng một lần có thể được cấp dưỡng bổ sung, nhưng chị My vốn sống phụ thuộc chồng, và cho rằng, luật chỉ yêu cầu cấp dưỡng bổ sung khi người được cấp dưỡng "lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà người đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế để cấp dưỡng ở mức cao hơn, thì phải cấp dưỡng bổ sung theo yêu cầu của người được cấp dưỡng", mà đứa con lại chỉ ốm đau vặt vãnh, nên không có cớ gì "đòi thêm trách nhiệm".

Tìm cách trốn tránh

Mai Diệu Anh xin ly hôn với anh Hoàng Mạnh Thắng và đã được tòa án nhân dân quận Hoàng Mai chấp nhận với quyền nuôi con thuộc về người cha. Điều này đã khiến thẩm phán Đinh Công Khế hết sức ngạc nhiên vì 2 đứa trẻ một đứa lên 7, một đứa lên 3 ở với mẹ sẽ hợp lý hơn. Nhưng ông còn ngạc nhiên hơn khi người phụ nữ sành điệu với trang điểm cầu kỳ và quần áo đắt tiền đến nhờ ông bày cách làm thế nào có thể thuyết phục được tòa rằng chị ta là một người nghèo khó, buôn bán lặt vặt không có việc làm cụ thể và không đủ tiền để cấp dưỡng cho 2 đứa trẻ. Khi ông hỏi về mái tóc được chăm sóc cẩn thận, chị này vẫn còn hồn nhiên “em mất vài triệu một tháng để nó được đẹp như thế này” (!?). Thật hiếm có người phụ nữ nào như người phụ nữ này, đã không chăm con mà lại còn tìm cách trốn trách nhiệm với người nuôi dưỡng con mình.

Không chỉ trốn tránh trách nhiệm, chồng chị Nguyễn Thanh Hằng còn sử dụng chiêu “khấu trừ”. Hai tháng sau khi ly hôn, anh Phạm Đăng Khoa chồng chị còn gửi đầy đủ khoản tiền cấp dưỡng theo quy định của tòa là 1 triệu đồng/tháng. Nhưng đến tháng thứ 3, chị nhận được một chiếc phong bì với số tiền ít hơn hẳn và một tờ giấy, trên đó ghi “tiền khấu trừ nuôi con tháng 6”. Hóa ra anh đã ghi đầy đủ, chi tiết những khoản mà anh đã mua cho chính con trai mình khi đón cháu về nhà chơi, “khuyến mãi” không tính tiền nhà và ăn uống. Đọc hết tờ giấy, chị choáng váng, phải ngồi thụp xuống đất. Chị đã nhắn tin cho chồng cũ, bảo nếu thấy cần phải trừ chi ly như vậy thì không cần gửi tiền nữa. Nhưng anh ta nhắn lại: “Tôi không muốn sau này nó trách tôi vô trách nhiệm. Ăn ở nhà tôi mấy bữa đã không tính rồi”. Từ đó, tháng nào chị cũng nhận được vài trăm nghìn kèm theo một tờ giấy “khấu trừ”. Mỗi lần đón con về chơi, ngoài tiền ăn sáng, ăn trưa, còn lại khoản gì mua cho con anh ta đều cộng lại và trừ vào tiền cấp dưỡng. Tháng trước, anh ta đi họp phụ huynh cho con, đóng tiền học, cũng trừ 345.000 đồng. Tiền ủng hộ đồng bào bão lụt, con trai xin bố, anh ta cũng trừ 20.000 đồng… Suốt 4 năm nay, chị nuôi con khôn lớn. Đứa con càng ngoan ngoãn, càng giỏi giang, chị càng cảm thấy uất hận và có lỗi với con. Chị không thể để nỗi đau qua đi khi hàng tháng phải nhận từ tay chồng cũ một phong bì có tờ giấy đề: “Khấu trừ tiền nuôi con”!

Hãy là những người cha mẹ có trách nhiệm

Thẩm phán Đinh Công Khế cho rằng: "Tâm lý của một số người cha, người mẹ luôn muốn rũ sạch trách nhiệm với quá khứ để đi tìm hạnh phúc mới. Hoặc họ thù hận người chồng (vợ) đến mức sợ họ tiêu lẹm vào phần tiền mà mình cấp dưỡng cho con nên tìm đủ mọi cách tính toán cho “sòng phẳng”. Nhưng nuôi dạy một đứa trẻ không chỉ cần tiền mà còn cần rất nhiều tình yêu và trách nhiệm". Khá nhiều vụ ly hôn mà cha mẹ không lo đến việc chăm sóc đứa con đang bị tổn thương tình cảm, mà quay sang cãi cọ nhau, mặc cả từng đồng nuôi con. Tòa án sẽ căn cứ vào thu nhập và sự thỏa thuận của vợ - chồng để quy định mức cấp dưỡng nuôi con hàng tháng. “Nhưng tòa lại chưa có căn cứ để xử những lối hành xử thiếu văn hóa, thiếu tình người của những người làm cha mẹ vô trách nhiệm” - ông Khế nói. 

Sau khi bố mẹ ly hôn, những đứa trẻ sẽ ở với bố hoặc mẹ. Chúng vốn đã chịu thiệt thòi về tình cảm khi có mẹ thì không có bố, xa cách với anh chị em, lại còn bị thiệt thòi về vật chất vì trên thực tế việc yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn đang tồn tại nhiều bất cập, thậm chí trở thành "món nợ khó đòi" đối với cả cơ quan thi hành án và người được cấp dưỡng. Nghị định số 70/2001/NĐ-CP cũng quy định về mức cấp dưỡng nuôi con: "Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng"... Trên thực tế, rất nhiều trường hợp cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn chưa bảo đảm được "nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng".

Mỗi người chúng ta, không ai muốn có kết cục là một cuộc ly hôn song nếu như không thể kéo dài cuộc sống chung thì hãy đừng làm tổn thương những đứa trẻ. Điều đó thuộc về những người làm cha làm mẹ chứ không một tòa án hay một đơn vị thi hành án nào có thể giải quyết một cách cụ thể rạch ròi câu chuyện này.