Trang web Trung tâm chiếu phim quốc gia bị "sập", phim "Đào, phở và piano" có thật sự "sốt"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 2 ngày hôm nay, trang web của Trung tâm chiếu phim quốc gia (Hà Nội) bị "sập" và không thể truy cập được. Lý do là bởi sức "nóng" của một bộ phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất.

Tính đến thời điểm chiều nay 19-2-2024, việc truy cập vào đường link dẫn tới trang web của Trung tâm chiếu phim quốc gia Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện được. Sự cố này đã diễn ra trong 2 ngày vừa qua và hiện chưa thể khắc phục. Việc này sẽ hoàn toàn bình thường nếu như lỗi này không phải do một bộ phim gây ra.

Cụ thể, do số lượng người truy cập vào trang web này để mua vé xem phim tăng vọt một cách đột biến dẫn tới tình trạng nghẽn mạng và "sập" web. Điều này được ông Vũ Đức Tùng - Quyền Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia xác nhận. Đáng nói ở chỗ, bộ phim được cho là nguyên do tạo nên "cơn sốt" vé xem phim trên không phải là "Mai" của Trấn Thành mà lại là bộ phim "Đào, phở và piano".

"Đào, phở và piano" là một trong hai tác phẩm điện ảnh được sản xuất từ nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp, do Nhà nước đặt hàng sản xuất trong năm 2023, bên cạnh phim "Hồng Hà nữ sĩ".

Sau buổi chiếu ra mắt diễn ra khá lặng lẽ cách đây không lâu, cả hai bộ phim này không để lại dấu ấn hay tạo ra hiệu ứng đặc biệt gì về mặt dư luận. Vì vậy việc "Đào, phở và piano" bỗng dưng trở thành hiện tượng phim được "săn lùng" vé ngoài rạp chiếu khiến nhiều người khá bất ngờ.

Trên thực tế "Đào, phở và piano" ra rạp từ ngày 10-2 vừa qua (đúng vào mồng Một Tết Nguyên Đán, cùng dịp với phim "Mai"). Trước đó cách đây không lâu, bộ phim này đã có buổi công chiếu ra mắt như thông lệ song cũng giống như các phim khác được làm từ nguồn kinh phí do Nhà nước cấp, khán giả đến xem chủ yếu là đại diện Bộ VHTT&DL, hãng phim, đoàn làm phim và những người được tặng vé mời.

Xong xuôi, theo quy trình, phim ra rạp với địa điểm chiếu duy nhất là Trung tâm chiếu phim quốc gia (Hà Nội), dĩ nhiên có bán vé nhưng có lẽ không hy vọng nhiều vào việc thu về lợi nhuận. Nói vậy là bởi từ xưa đến nay, các phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất vẫn là những tác phẩm thuộc dòng phim chính thống, nghệ thuật, thuộc dạng khó tiếp cận khán giả, nhất là các phim có yếu tố và bối cảnh lịch sử như "Đào, phở và piano". Nhiều phim thậm chí chiếu ra mắt xong rồi lại cất kho, mãi chưa ấn định được lịch ra rạp, dù chỉ là rạp Nhà nước.

Phim có sự tham gia diễn xuất của ca sĩ Tuấn Hưng

Phim có sự tham gia diễn xuất của ca sĩ Tuấn Hưng

Chuyện phim Nhà nước không tìm được đường ra rạp tư nhân, chiếu thương mại và "tay bo" bán vé vốn không phải điều gì mới mẻ. Tại một cuộc hội thảo về điện ảnh do Bộ VHTT&DL tổ chức ở Lâm Đồng mới đây, đại diện một hãng phim tiền thân là đơn vị sản xuất phim Nhà nước, nay đã cổ phần hóa, thẳng thắn bày tỏ, phim làm ra được phát hành ngoài rạp, chiếu trên truyền hình hay các nền tảng khác là nhu cầu chính đáng song thực tế thì các phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất lại gần như không có đầu ra bài bản.

Cái khó ở chỗ, ngoài việc đề tài bị cho là khô khan, chính luận, nghệ thuật, thì còn nằm ở khâu quảng bá phát hành. Việc phát hành thế nào phải xin ý kiến của Cục Điện ảnh và do đơn vị này quyết định, còn phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất thì các hãng chỉ thực hiện việc sản xuất theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Được biết mức kinh phí dành cho khâu quảng bá đối với phim Nhà nước tới giờ vẫn gói gọn trong con số vỏn vẹn khoảng 100 triệu đồng và khung chi phí này đã được áp dụng rất lâu rồi, chưa có sự thay đổi. Số tiền này như đại diện một hãng phim là chỉ đủ để trang trải chi phí cho buổi công chiếu ra mắt phim, bao gồm in pano, áp phích, tờ rơi, thuê rạp...

Trong khi đó, phim do các đơn vị tư nhân sản xuất lại luôn dành khoản tiền không nhỏ trong tổng kinh phí sản xuất để thực hiện việc quảng bá PR phim, có khi lên tới vài tỷ đồng. Phim không có tín hiệu khả quan về mặt doanh thu, thì dù phim Nhà nước hay phim tư nhân, cũng đều khó tìm được chỗ đứng ngoài rạp thương mại. Nếu có thương lượng được việc phát hành ở các rạp này thì cũng sẽ bị hạn chế về suất chiếu, xếp vào các khung giờ chiếu được cho là ít người đến rạp mua vé xem phim. Bởi vậy không có gì khó hiểu khi 2 bộ phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất gần đây nhất là "Đào, phở và piano" và "Hồng Hà nữ sĩ" vẫn chỉ có điểm chiếu duy nhất là Trung tâm chiếu phim quốc gia.

Trở lại với "cơn sốt" phim "Đào, phở và piano" diễn ra một vài ngày gần đây, ông Vũ Đức Tùng - Quyền Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia cũng thừa nhận đây là "hiện tượng" trước nay chưa từng có đối với một bộ phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất và cũng là tín hiệu khả quan với dòng phim này. Việc khán giả bỗng dưng đổ dồn truy cập vào trang web của Trung tâm để mua vé xem bộ phim này là nguyên do khiến trang web bị "sập" và không thể truy cập được. Hiện phía phụ trách kỹ thuật và công nghệ thông tin của Trung tâm đang nỗ lực xử lý và khắc phục tình trạng này để trang web có thể trở lại hoạt động bình thường.

Theo tìm hiểu được biết, đến chiều ngày 19-12-2024, mặc dù không thể truy cập vào trang web của Trung tâm chiếu phim quốc gia để đặt vé trực tuyến nhưng vẫn có thể mua trực tiếp tại Trung tâm để xem các suất chiếu vào khung giờ ngoài 14h và sau 16h. Phía bộ phận phát hành vé của Trung tâm cho biết, riêng trong ngày hôm nay 19-12, phim "Đào, phở và piano" được tăng lên gần 20 suất chiếu và phần lớn đều được bán hết sạch vé. Vé xem các suất chiếu vào ngày hôm sau 20-2 cũng đã được phát hành gần hết. Mỗi suất chiếu đón trung bình khoảng 100 khán giả, có cả khán giả trung tuổi lẫn khán giả trẻ.

Thông thường, các phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất sẽ chiếu cho tới khi nào rạp không có khán giả. Với sức nóng như hiện tại, "Đào, phở và piano" có thể sẽ tiếp tục trụ ngoài rạp chiếu để phục vụ khán giả trong vòng 1 tháng, dự tính là đến ngày 10-3-2024.

Điều gì đã khiến "Đào, phở và piano" bỗng dưng "sốt" như vậy?

Ra rạp cùng thời điểm với "Mai" - phim "bom tấn" do Trấn Thành sản xuất và đạo diễn, song phải tới 1 tuần sau, "Đào, phở và piano" mới được biết đến. Đáng nói, trước khi gây "sốt" vé ở Trung tâm chiếu phim quốc gia thì trên một số Fanpage, diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội bỗng dưng nhắc tới "Đào, phở và piano", đồng thời dành nhiều lời khen ngợi cho bộ phim này. Nhiều cư dân mạng, chủ yếu là các bạn trẻ bày tỏ sự tò mò, hào hứng về phim và rủ nhau mua vé đến rạp xem. Sự lan tỏa qua mạng xã hội - điều mà nhiều bộ phim thương mại có khi phải mất tiền để có, thì lần này một bộ phim Nhà nước như "Đào, phở và piano" lại may mắn "hữu xạ tự nhiên hương" và gây được chú ý.

Tuy nhiên địa điểm duy nhất chiếu bộ phim này là Trung tâm chiếu phim quốc gia với số suất chiếu không nhiều. Cũng bởi vậy nên chỉ cần một lượng truy đặt vé xem lên tới hàng nghìn người cũng khiến trang web của Trung tâm hiện còn khiêm tốn về công nghệ, bỗng trở nên quá tải và dừng hoạt động. Sự khó khăn này khi được chia sẻ trên mạng xã hội càng kích thích sự tò mò, phấn khích và quyết tâm "săn" vé từ một bộ phận khán giả. Có người còn ví von "săn" vé xem phim "Đào, phở và piano" khó ngang vé xem show diễn của nhóm nhạc BlackPink tại Việt Nam.

Có thể thấy, một trong những nguồn cơn dẫn tới "cơn sốt" vé xem bộ phim này chính là từ việc vé phát hành ít, trong khi phim chỉ chiếu ở một rạp duy nhất và so với các rạp thương mại thì vé xem ở Trung tâm chiếu phim quốc gia lại rẻ, phù hợp với túi tiền nhiều người. "Cung" vốn đã ít - "cầu" bỗng dưng lại nhiều, ắt dẫn tới khan hiếm và "sốt". Khách quan mà nói, so với số suất chiếu và doanh thu của các phim được phát hành ngoài cụm rạp tư nhân thì "cơn sốt" của "Đào, phở và piano" chưa là gì, nhưng đây lại là một thành công lớn với các phim Nhà nước, phát hành ở rạp Nhà nước. Như phim "Mai", chỉ tính riêng doanh thu 2/3 ngày 19-2-2024, bộ phim của Trấn Thành đã đạt hơn 17 tỷ đồng, có tới 4.587 suất chiếu với gần 250.000 vé được mua. Trong khi đó, người đứng đầu Trung tâm chiếu phim quốc gia chia sẻ, tính từ khi ra rạp đến thời điểm 19h tối 18-2-2024, "Đào, phở và piano" đã đón gần 1.900 lượt khán giả đến rạp xem, đem về doanh thu hơn 300 triệu đồng.

Như vậy mặc dù còn hạn chế, khiêm tốn về rạp chiếu lẫn doanh thu nhưng có thể nói "Đào, phở và piano" đã ít nhiều đạt được thành công so với các phim được Nhà nước đặt hàng sản xuất mà không được nhiều người biết đến.

"Đào, phở và piano" là tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng sản xuất. Phim do đạo diễn Phi Tiến Sơn dàn dựng dựa trên chính kịch bản do anh chắp bút, tuy khai thác đề tài chiến tranh nhưng lại được tiết lộ là ở góc nhìn rất khác lạ, tái hiện không khí hào hùng nhưng cũng rất lãng mạn của Hà Nội những năm 1946 - 1947. Phim do Bộ VHTTDL đặt hàng, Công ty Cổ phần phim truyện 1 thực hiện.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ, anh ấp ủ kịch bản bộ phim này suốt hơn một thập kỷ qua với mong muốn làm một bộ phim về Hà Nội để trả món nợ ân tình với mảnh đất mà mình đã sinh ra, lớn lên và gắn bó cả cuộc đời. Những thước phim nói về cuộc chiến đấu của người dân Hà Nội trong 60 ngày đêm, từ ngày 19-12-1946 đến ngày 17-2-1947. Đây là một cuộc chiến rất đặc biệt. Điều đáng nói ở chỗ, lực lượng ở phía ta lúc này chỉ có người dân Hà Nội là chính và chiến đấu theo kiểu dàn trận đánh nhau. Họ là những người lao động, văn nghệ sĩ, thợ thủ công, người buôn bán tiểu thương...Tất cả họ đều yêu thành phố này bằng một tình yêu thuần khiết dù mỗi người có một cách bày tỏ tình yêu khác nhau.