- Bắt cát tặc trên sông Tiền
- Giữ bình yên trên những tuyến sông
- Trắng đêm vây bắt cát tặc trên sông Hồng
Phải vô cùng vất vả lực lượng Cảnh sát đường thủy mới khống chế được tàu hút cát trái phép trên sông Hồng
Các đối tượng khai thác cát trái phép ở khu vực sông Hồng liên tục thay đổi khung giờ hoạt động, tăng cường cảnh giới cả ở trên bờ lẫn dưới sông để kịp thông báo cho đồng bọn. “Đấu với “cát tặc” không chỉ dùng sức mà còn phải dùng trí” - Trung tá Đỗ Văn Chuẩn, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy CATP Hà Nội chỉ tay vào các điểm cần giải quyết trên tấm sơ đồ được anh vạch ra chi tiết trước giờ đánh án.
“Cát tặc” bị tóm gọn
Tối 25-4, 3 CBCS của Đội Cảnh sát đường thủy xuống một chiếc xuồng đặc chủng chạy ngược về hạ lưu. Ít phút sau, ở trên bờ đê, một nam thanh niên lạ mặt chui ra khỏi chỗ nấp, lấy điện thoại ra gọi cho ai đó và nhanh chóng biến mất. Nhận được thông báo của đồng bọn, 2 chủ tàu khai thác cát trái phép đến từ Bắc Giang tin rằng Cảnh sát không ngược dòng lên kiểm tra tàu của mình ở sông Hồng, đoạn qua địa bàn xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, đã thoải mái hút cát trái phép.
Chờ đến khi cả 2 chiếc thuyền “ăn” khá nhiều tài nguyên dưới lòng sông, 3h20 sáng 26-4, 2 chiếc xuồng đặc chủng của Cảnh sát đường thủy được ngụy trang ở bãi ngô gần đó nhanh chóng tăng tốc áp sát phương tiện vi phạm. Trần Văn Lành (SN 1964) và Hồ Lăng Trường (SN 1989, ở huyện Yên Dũng, Bắc Giang) là chủ của 2 chiếc tàu BG -7468 và BG - 0453 đã bị Cảnh sát đường thủy khống chế. Hai con tàu có trọng tải hàng trăm tấn chứa đầy cát đã bị Cảnh sát đường thủy lai dắt về khu vực tạm giữ.
Trước đó, khoảng 12h40 ngày 25-4, liên tiếp 3 trường hợp khai thác cát trái phép cũng bị đơn vị phát hiện, bắt quả tang trên sông Hồng thuộc địa bàn xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Số đối tượng này khi phát hiện sự có mặt của Cảnh sát đường thủy đã vội vàng nổ máy nhằm hướng bờ đối diện để bỏ chạy nhưng không thoát.
Chốt chặn ngã ba sông
Cả tuần lênh đênh trên sông, người rạc đi vì nhiều đêm liền thức trắng, Trung tá Đỗ Văn Chuẩn búc xúc: “Đinh Xuân Bắc (SN 1968), Hoàng Kim Tuấn (SN 1973) và Trần Văn Việt (SN 1993) chủ của số tàu khai thác cát trên đều trú tại các xã thuộc địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội. Những đối tượng này đều là người địa phương, thông thuộc địa hình, thổ nhưỡng và thuê rất nhiều đối tượng cảnh giới. Ngoài 3 đối tượng trên, trong tổng số hàng chục vụ khai thác cát trái phép, số đối tượng nằm trên các địa bàn như huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì cũng khá nhiều”.
Được giao phụ trách gần 100km tuyến sông Hồng, sông Đà, điều mà chỉ huy Đội Cảnh sát đường thủy băn khoăn nhất chính là phương tiện và xăng dầu phục vụ tuần tra. Để tiết kiệm nhiên liệu cũng như tăng hiệu quả công tác trinh sát, CBCS trong đơn vị phải sử dụng xe máy, xe taxi là việc thường xuyên.
Khó khăn nhiều, nhưng lực lượng Cảnh sát đường thủy Hà Nội vẫn tổ chức tốt con người đảm bảo hiệu quả được công tác gìn giữ bình yên trên sông và chọn đúng người, giao đúng việc đã được đơn vị triển khai thực hiện. Trung tá Nguyễn Hồng Hải, Đội phó Đội Cảnh sát đường thủy số 1 cho biết: “Cả tháng anh em ăn ngủ dưới sông để chống “cát tặc”, không có mặt ở đơn vị ăn bữa cơm chứ đừng nói về nhà gặp vợ con. Thời điểm “nóng” về tình trạng khai thác cát trái phép, CBCS thức trắng đêm trên mặt sông. Nhọc nhằn, khó khăn là vậy nhưng anh em trong đơn vị vẫn động viên nhau bám chốt, bám sông không rời dù nửa con sóng”.