Trả thù trường cũ

(ANTĐ) - Khi Sebastian Bosse bước vào cổng trường trung học Geschwister Scholl ở thị trấn miền tây bắc nước Đức trong bộ áo khoác màu đen, đeo mặt nạ, các học sinh nhìn thấy còn cười trêu chọc anh ta. Nhưng ngay sau đó là một vụ xả súng điên cuồng gây chấn động nước Đức.

Trả thù trường cũ

(ANTĐ) - Khi Sebastian Bosse bước vào cổng trường trung học Geschwister Scholl ở thị trấn miền tây bắc nước Đức trong bộ áo khoác màu đen, đeo mặt nạ, các học sinh nhìn thấy còn cười trêu chọc anh ta. Nhưng ngay sau đó là một vụ xả súng điên cuồng gây chấn động nước Đức.

Sebastian Bosse

13 quả bom

Vụ việc xảy ra vào khoảng 9h30 sáng 21-11-2006, vào giữa giờ giải lao. Dennis, học sinh lớp 7 kể lại: “Ban đầu, chúng cháu cười rũ khi thấy kiểu cách lạ lùng của anh ta. Nhưng sau đó anh ta bất ngờ nổ súng nhằm vào chúng cháu”. Dennis và một người bạn Jannick, 12 tuổi đã may mắn chạy thoát an toàn. Một giáo viên đang mang thai, một nhân viên bảo vệ và 7 học sinh khác bị dính đạn, tuy nhiên rất may không có ai thiệt mạng.

Sau cơn xả súng điên cuồng, Sebastian đã quay súng tự sát, thi thể của hắn không được động tới cho đến khi các chuyên gia tới tháo gỡ những thiết bị nổ quấn quanh người hắn. Tổng cộng có 13 quả bom được tìm thấy gài xung quanh trường học và trong chiếc xe ô tô của hắn.

Sống trong nỗi ám ảnh

Hồi còn đi học, Sebastian thường đứng một mình trong những giờ ra chơi, có thể hắn ta xấu hổ vì đã bị lưu ban hai năm do học lực kém và vì hắn cảm thấy mình xa lạ với những người bạn học. Tháng 6-2005, hắn đã viết một thông điệp trên mạng Internet: “Nỗi sợ hãi này sẽ dần dần biến thành cơn thịnh nộ. Ta sẽ trút sự căm thù này lên những kẻ đã huỷ hoại đời ta: Đúng, sẽ là một vụ xả súng”.

Sebastian luôn sống trong nỗi ám ảnh. Hắn từng nói đã nhận ra rằng mình đang sống trong “một thế giới mà đồng tiền chi phối tất cả mọi thứ, kể cả trong nhà trường. Anh phải có điện thoại sành điệu nhất, mặc quần áo mốt nhất… còn nếu không có, sẽ chẳng có ai chú ý đến anh.

Năm 2005, Sebastian tốt nghiệp phổ thông với kết quả tốt, thậm chí còn được điểm A môn số học. Thời ấy, Sebastian nổi tiếng trong trường là một game thủ tài giỏi, hắn thường dành thời gian hầu như cả ngày ngồi trước máy vi tính chơi trò game mà hắn ưa thích “Counterstrike” - một trò chơi bạo lực mà người chơi di chuyển dọc hành lang và bắn được càng nhiều người càng tốt.

Sebastian trước đây đã từng phải ra hầu tòa vì tội sở hữu súng bất hợp pháp. Theo các nhà điều tra, hắn đã lên kế hoạch trả thù từ trước đó rất lâu và coi đó như là một sự trả thù cuối cùng dành cho những người mà hắn nghĩ là đã “làm nhục” hắn trong suốt nhiều năm qua. Hắn lên kế hoạch theo một trò chơi trên máy tính mà hắn đã từng chơi, hắn muốn tự huỷ hoại bản thân và lấy đi sinh mạng của những học sinh và giáo viên trong trường nơi hắn từng học.

Với nỗi hận thù chứa chất trong đầu, Sebastian đã quay lại trường cũ với hai khẩu súng trường, 1 khẩu súng lục,1 khẩu súng ngắn, 3 quả bom quấn quanh người, 1 con dao cài trong ống chân, 10 quả bom tự tạo và một quả bom xăng giấu sau lưng.

Sebastian đã để lại một bức thư tuyệt mệnh mà trong đó có đoạn: “Nếu anh nhận ra rằng anh sẽ chẳng bao giờ tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống này thì lựa chọn duy nhất là anh phải biến mất khỏi cõi đời này. Thứ duy nhất mà ta học được ở trường đó là ta là một kẻ thua cuộc”.

Vụ xả súng đã gây ra làn sóng mạnh mẽ kêu gọi cấm các trò chơi trực tuyến bạo lực, vốn đã gây nhiều tranh cãi từ vụ bạo lực xảy ra hồi tháng 4-2002 tại trường Erfurt khi một cựu học sinh là Robert Steinhauser đã xả súng bắn chết 13 giáo viên, 2 học sinh, 1 nhân viên cảnh sát rồi tự sát. Từ sau vụ này, Chính phủ Đức đã thắt chặt việc kiểm soát vũ khí với quy định khắt khe hơn trong việc mua bán súng. Độ tuổi được phép sử dụng súng săn được nâng lên tối thiểu là 21 thay vì 18 như trước đây.

Nguyễn Hà

(Theo Spiegel)