Tổng thống Putin bắt đầu thực hiện 'tối hậu thư hạt nhân' khiến NATO giật mình?

ANTD.VN - "Tối hậu thư hạt nhân" được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra theo đánh giá đã khiến NATO phải "giật mình".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra "tối hậu thư hạt nhân" cho NATO, cụ thể là tuyên bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus, ý kiến này do chuyên gia quân sự người Israel - ông Jacob Kedmi (ảnh) đưa ra.

Quyết định của Tổng thống Putin về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus được giải thích rộng rãi là một phản ứng đối với việc Anh "đe dọa" xe tăng Nga với đạn xuyên Uranium nghèo.

Tuy nhiên chuyên gia Kedmi tin rằng đây chỉ là một phần của lời giải thích và tin rằng lý do chính cho bước đi nói trên là việc thực hiện tối hậu thư đã được Liên bang Nga đưa ra vào cuối năm 2021.

“Tổng thống Putin từng yêu cầu phía Mỹ loại bỏ vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi châu Âu. Ông ấy nói: Nếu bạn không thực hiện, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp có tính chất quân sự".

"Sau đó NATO tự hỏi nước Nga sẽ làm gì - và đây chính là câu trả lời đã được lên kế hoạch, rõ ràng phản ứng này đã được dự tính từ lâu, không liên quan tới đạn pháo Uranium nghèo của Anh".

"Trong một ván cờ, nếu đối phương không từ bỏ vũ khí của mình, Nga sẽ đưa ra bước đi thông qua biện pháp quân sự để buộc họ phải thực hiện yêu sách của mình”, ông Kedmi nói.

Bước đi của ông Putin với vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng ít liên quan đến Belarus - nhà phân tích tin chắc rằng đây là một giai đoạn của cuộc đối đầu toàn diện giữa Nga và NATO do Mỹ lãnh đạo.

Liên bang Nga không từ bỏ các yêu cầu của mình được đưa ra cách đây một năm rưỡi - họ đã hiện thực hoá chúng một cách dứt khoát.

Chuyên gia Kedmi đặc biệt chú ý đến vũ khí được triển khai ở Belarus, các hệ thống được chọn có thể bao phủ toàn bộ châu Âu, mặc dù hiện nay xuất hiện thông tin cho rằng Nga chỉ triển khai tên lửa Iskander tầm ngắn.

“Nga đã chuẩn bị vũ khí gì tại Belarus? Đó là tên lửa Iskander hay tiêm kích MiG-31K, phương tiện tác chiến này có tầm hoạt động cực lớn và tốc độ ngoài sức tưởng tượng lên đến 3.500 km/h".

"Đây là tiêm kích mạnh nhất, nhanh nhất thế giới, chỉ 10 phút bay và cả châu Âu đã ở bên dưới. Từ Belarus đến Lisbon chỉ mất 10 - 12 phút bay. MiG-31K với tốc độ nhanh chóng mặt có thể tấn công rất bất ngờ”, chuyên gia Kedmi nhấn mạnh.

Vấn đề nữa cần quan tâm là Tổng thống Putin lưu ý rằng vào ngày 1/7/2023, việc xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được hoàn thành trên lãnh thổ Belarus.

Theo Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, thông báo này là một loại tín hiệu gửi tới NATO. Cựu lãnh đạo Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Tổng thống Putin đang báo hiệu cho phương Tây bằng cách tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus".

Ông Esper khuyến cáo, phản ứng của các nước phương Tây trước hành động của Nga cần hết sức thận trọng và kiềm chế: "Cần theo dõi chặt chẽ nhưng không được phép đáp trả gay gắt những gì đang xảy ra".

Ông Esper tin rằng Tổng thống Putin không vô tình tuyên bố mốc thời gian ngày 1/7/2023. Vấn đề là hai tuần sau, Lithuania sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO có ý nghĩa rất quan trọng.

“Tổng thống Putin đã chọn thời điểm thú vị, việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus chỉ một hoặc hai tuần trước hội nghị thượng đỉnh NATO hàng năm, sẽ được tổ chức tại Vilnius vào giữa tháng 7", ông Esper nhấn mạnh.