Tổng thống Erdogan nhận 'món quà lớn' từ Nga ngay trước thềm bầu cử

ANTD.VN - Cơ hội thắng cử của Tổng thống Erdogan sẽ trở nên rõ ràng hơn khi áp lực kinh tế được hạ nhiệt.

Nga đã đồng ý cho Thổ Nhĩ Kỳ hoãn thanh toán hợp đồng cung cấp khí đốt, đây là động thái đặc biệt mà Tổng thống Nga Vladimir Putin dành cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyiv Erdogan.

Hãng tin Anh Reuters thông báo, khoản thanh toán đối với lượng khí đốt mà Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu trị giá lên tới 600 triệu đô la đã được Nga hoãn sang năm sau, theo đề nghị từ chính quyền Ankara.

Không chỉ có vậy, còn xuất hiện thông tin cho biết các doanh nghiệp Nga trong nhiều lĩnh vực đã sẵn sàng hoãn một số khoản thanh toán khác với tổng trị giá 4 tỷ đô la.

Các chuyên gia của Reuters bình luận, đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn ở mức rất khăng khít, cho dù đã trải qua không ít sóng gió.

Nhiều nhà phân tích tin tưởng rằng với bước đi đặc biệt nói trên, ông Putin đang trực tiếp giúp Tổng thống đương nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo.

"Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp diễn ra, họ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào mặt hàng năng lượng nhập khẩu, trong khi đó Nga chính là nhà cung cấp lớn nhất của Ankara".

"Thỏa thuận đã nêu bật mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như sự gần gũi của Tổng thống Vladimir Putin và ông Tayyip Erdogan, giúp cho họ tổ chức những cuộc đàm phán thường xuyên về nhiều vấn đề nóng bỏng, từ năng lượng đến tình hình chiến sự Ukraine và Syria".

"Mối quan hệ đang phát triển vững chắc giữa hai quốc gia đã làm dấy lên lo ngại từ các đồng minh phương Tây về viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ từ bỏ tư cách thành viên NATO để xoay trục sang phía Nga", hãng tin Reuters nhấn mạnh.

Cần lưu ý thêm rằng hóa đơn nhập khẩu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 100 tỷ USD vào năm 2022. Bên cạnh đó, 39% trong tổng khối lượng 53,5 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên nhập khẩu đến từ Liên bang Nga.

Thỏa thuận thanh toán khí đốt đã giảm bớt một số áp lực đối với dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã cạn kiệt do các chính sách kinh tế hỗ trợ đồng lira, cũng như giá năng lượng tăng cao vào năm ngoái.

Khi tình hình kinh tế ổn định cùng với mức sống của người dân được đảm bảo, rõ ràng cơ hội chiến thắng của ông Erdogan trong cuộc bầu cử sắp diễn ra sẽ trở nên xán lạn hơn bao giờ hết.

Thông qua hành động này, Nga có lẽ cũng muốn gia tăng ảnh hưởng của mình đối với một quốc gia được xem như thành viên vô cùng quan trọng của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO.

Quan hệ với Nga nếu được thắt chặt thì rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải cân nhắc việc ủng hộ những chính sách của phương Tây nhằm gây áp lực lên Moskva, điển hình là các gói trừng phạt liên tiếp được đưa ra trong thời gian gần đây.

Một ví dụ cũng rất nên được nhắc tới đó là chính quyền Ankara mới đây đã cự tuyệt lời đề nghị từ phía Mỹ về việc được "tiếp cận" hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf.