Những chiếc xe cải tiến được thiết kế gắn vào đuôi xe máy đi trên đường như những khẩu pháo vô cùng nguy hiểm
Điểm mặt những bến đỗ vi phạm
Lâu nay, tuyến đường Giải Phóng vẫn được xem là điểm đỗ lý tưởng cho các loại xe 3, 4 bánh tự chế. Bắt đầu từ gầm cầu vượt Giải Phóng xuôi xuống bến xe Giáp Bát, mỗi khi vắng bóng CSGT tuần tra những chiếc xe tự chế, 3, 4 bánh lại tụ tập công khai đứng chờ khách. Trên dọc trục đường này, lượng xe 3, 4 bánh tự chế tập trung đông nhất tại địa điểm ngã ba Trương Định - Giải Phóng hay còn gọi là Đuôi Cá.
Từ sáng sớm cho đến chiều muộn, những chiếc xe tự chế xếp thành dãy dài xung quanh ngã ba này. Khi nắng thì những chiếc xe này đỗ lên vỉa hè, cạnh cách gốc cây còn khi trời râm mát, họ kéo xe xuống lòng đường, mắc võng rồi thản nhiên nằm ngủ ở phía sau thùng xe.
Xe ba bánh, xe tự chế dạng cải tiến kéo cũng hoạt động rầm rộ trên các tuyến phố nội đô (ảnh chụp tại đường Láng)
Không chỉ tuyến đường Giải Phóng, trục đường Đê La Thành cũng là điểm tập kết quen thuộc của xe tự chế 3, 4 bánh. Do đây là trung tâm mua sắm các loại đồ kim khí, vật liệu xây dựng, nội thất... nên đã kéo theo một số lượng lớn xe 3, 4 bánh tự chế làm nhiệm vụ chuyên chở hàng hóa mỗi khi khách hàng có nhu cầu. Lòng đường Đê La Thành khá hẹp nên mỗi khi những chiếc xe này chở hàng luôn xảy ra nguy cơ ùn tắc nhất là vào giờ cao điểm.
Tại khu vực quận Hai Bà Trưng cũng có khá nhiều điểm tập trung các phương tiện xe 3, 4 bánh tự chế hoạt động. Điểm đỗ ưa thích nhất của những phương tiện này ở các nút giao thông như Trần Khát Chân-Lò Đúc, Trần Khát Chân-Nguyễn Quang Khải và đặc biệt là dưới gầm cầu Vĩnh Tuy...
Ngay như ở cầu Mai Động, dù lực lượng CSGT của Đội CSGT số 4 luôn có một chốt cắm tại đây làm nhiệm vụ xử lý vi phạm Luật Giao thông, song những chiếc xe 3, 4 bánh đỗ ở vỉa hè các đó vài mét vẫn vô tư hoạt động. Những vi phạm này diễn ra ngang nhiên nhưng không hiểu vì sao các cơ quan chức năng lại không hay biết để xử lý.
Biết cấm vẫn vi phạm
Theo thống kê của CATP Hà Nội, những vi phạm về nơi tập kết, sử dụng xe 3, 4 bánh tự chế có mặt ở khắp các tuyến đường nội thị, quốc lộ, đường vành đai và hướng tâm cũng như đường liên thôn, liên xã. Ngay cả những bãi trông giữ xe, chợ đầu mối, bến xe, nhà ga cũng là nơi những phương tiện này hoạt động, tập kết nhưng rất hiếm khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt.
Tại gầm cầu Vĩnh Tuy, thời điểm nào trong ngày cũng có ít nhất 3-5 xe 3 bánh tự chế tập kết để chờ khách. Ngoài ra còn có cả các loại xe cải tiến loại nhỏ, được thiết kế 2 càng bằng sắt vít vào đuôi xe máy để chở hàng. Những chiếc xe này thường được sử dụng để vận chuyển hàng hóa cồng kềnh... như sắt, các loại thép cây, tôn tấm... Những hàng hóa này được xếp dọc trên thùng xe, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trong vai một người có nhu cầu chở hàng, vừa thấy chúng tôi dừng xe máy, “cánh” lái xe 3, 4 bánh tự chế chạy ngay đến hỏi han. Khi biết chúng tôi đang cần chuyển đồ sang nhà mới, một phụ nữ lái xe 3 bánh tự chế đã nhanh nhảu tiếp cận.
Thấy vẻ lo lắng của chúng tôi vì phải chuyển tủ và nhiều đồ khác khá cồng kềnh từ quận Hoàn Kiếm sang quận Long Biên, người phụ nữ này chỉ tay vào chiếc xe tự chế 3 bánh tự chế cạnh đó khẳng định, bất kể hàng hóa gì chiếc xe này cũng vận chuyển được hết.
“Anh yên tâm đi, nhà em có 2 chiếc xe tự chế như thế này, nếu cần em huy động cả 2 chiếc chở cho anh một lượt là xong, không lo bị CSGT xử phạt đâu” - người phụ nữ nói bằng giọng điệu chắc nịch. Sau khi trao đổi số điện thoại, người phụ nữ nhảy lên chiếc xe tự chế chở hàng chục tấm đá granite lao vút đi xuống đường Minh Khai.
Qua khảo sát tại những điểm tập kết xe 3, 4 bánh trên địa bàn thành phố, điều mà nhóm phóng viên chúng tôi ghi nhận được đó là tất cả các lái xe 3, 4 bánh tự đóng, tự chế đều biết đến quy định cấm của các cơ quan chức năng đối với việc sản xuất, sử dụng, điều khiển phương tiện này.
Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao biết mà vẫn vi phạm thì hầu như tất cả đều né tránh trả lời hoặc lấy lý do không có việc làm. Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng người không phải là thương binh, bệnh binh tham gia điều khiển, sử dụng loại phương tiện này để chở hàng hóa cũng khá phổ biến. Để xác định người điều khiển có phải là thương binh, bệnh binh không phải quá khó vì khi quan sát có thể thấy tuổi đời của họ còn rất trẻ, lành lặn, khỏe mạnh, thậm chí nhiều người còn là phụ nữ dưới 40 tuổi.