Tổng công ty Lương thực miền Bắc sẽ thoái 100% vốn góp tại 14 doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Lương thực miền Bắc thoái 100% vốn góp tại 14 doanh nghiệp và duy trì vị trí là 1 trong 3 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thu mua và xuất khẩu gạo.
Tổng công ty Lương thực miền Bắc sẽ tái cơ cấu

Tổng công ty Lương thực miền Bắc sẽ tái cơ cấu

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1616/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Lương thực miền Bắc giai đoạn đến hết năm 2025.

Theo Đề án, kế hoạch/danh mục sắp xếp, cơ cấu lại Công ty mẹ, các đơn vị thành viên của Tổng công ty giai đoạn đến hết năm 2025, trong đó, Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Bắc tiếp tục duy trì mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025; giữ nguyên các chi nhánh hiện có.

Tổng công ty thực hiện thoái toàn bộ 100% vốn góp tại 14 doanh nghiệp: 1- Công ty cổ phần Phân phối Bán lẻ VNF1; 2- Công ty cổ phần Lương thực Hà Sơn Bình; 3- Công ty cổ phần Lương thực Hà Bắc; 4- Công ty cổ phần Lương thực Nam Định; 5- Công ty cổ phần Lương thực tỉnh Điện Biên; 6- Công ty cổ phần Lương thực Tuyên Quang;

7- Công ty cổ phần chế biến Muối và Nông sản miền Trung; 8- Công ty cổ phần Muối và Thương mại miền Trung; 9- Công ty cổ phần kinh doanh Bao bì Lương thực; 10- Công ty cổ phần Tập đoàn Muối miền Nam;

11- Công ty cổ phần chế biến kinh doanh Lương thực thực phẩm Hà Nội; 12- Công ty cổ phần Lương thực Lào Cai; 13- Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Nam Định; 14- Công ty cổ phần Visalco.

Sau tái cơ cấu, Tổng công ty sẽ là doanh nghiệp mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế về chế biến, kinh doanh, xuất khẩu lương thực, nông sản của Việt Nam, duy trì vị trí là 1 trong 3 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thu mua và xuất khẩu gạo;

Tiêu thụ lương thực, muối, nông sản hàng hóa với số lượng lớn, xuất khẩu lương thực, góp phần nâng cao giá trị thương mại các mặt hàng nông sản của Việt Nam; tham gia nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia và điều tiết kinh tế vĩ mô theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, góp phần bình ổn giá lương thực trong nước.

Chính phủ yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh, bảo toàn và phát triển vốn; Áp dụng các tiêu chuẩn về quản trị doanh nghiệp tiên tiến phù hợp với chuẩn mực quốc tế;

Đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; Tiếp tục rà soát, đánh giá và sắp xếp lại nhân sự trong bộ máy điều hành; Kế hoạch tiền lương phù hợp với hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động.

Đồng thời, đầu tư trang thiết bị và công nghệ nhằm tăng cường năng lực chế biến lúa gạo chất lượng cao.