Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng mỗi người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Từ khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, tôi đã hai lần chủ động đi qua nhà Tổng Bí thư ở phố Thiền Quang, dừng lại, đứng nhìn về phía căn nhà từ đầu ngõ, để thể hiện lòng thành kính đối với vị lãnh đạo tâm huyết, cống hiến cho đất nước, cho nhân dân đến những giây phút cuối cùng" - anh Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ.

Sáng 25/7, ngày đầu Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, anh Nguyễn Đức Nghĩa, 27 tuổi, quê ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, đã có mặt từ rất sớm bên ngoài Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông để cảm nhận không khí, tình cảm mà mọi người dành cho vị lãnh đạo đáng kính. Anh Nghĩa cho biết, sẽ đứng đợi ở đây đến cuối giờ chiều để được vào viếng. Anh đã mất cả đêm trằn trọc, thao thức chờ đợi giờ phút này.

“Đối với tôi, Tổng Bí thư là tấm gương sáng nhất với những phẩm chất cao quý của người Cộng sản, luôn gần gũi, sát sao với nhân dân, chăm lo đời sống cho nhân dân.

Điều đó dễ dàng nhận thấy trong những lần đi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư luôn quan tâm đặc biệt đến người già và các cháu nhỏ. Những lời hỏi thăm ân cần, những cái bắt tay thật chặt của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng gây thiện cảm mạnh mẽ trong lòng người dân khi được tiếp xúc, gặp gỡ” – anh Nghĩa cho hay.

Anh Nguyễn Đức Nghĩa, quê ở Vĩnh Phúc

Anh Nguyễn Đức Nghĩa, quê ở Vĩnh Phúc

Theo anh Nguyễn Đức Nghĩa, dù bận rộn với công việc, nhưng khi có thời gian rảnh rỗi, anh vẫn luôn lên mạng đọc báo, theo dõi những hoạt động của Tổng Bí thư. Trong đó, có một phóng sự ghi lại hình ảnh Tổng Bí thư đến dâng hương đầu năm mới (năm 2022) tại Nhà 67 – nơi Bác Hồ làm việc và trút hơi thở cuối cùng.

Tại đây, khi được Ban Quản lý di tích tặng một trái bưởi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc bốn câu trong bài thơ “Bác ơi” của nhà thơ Tố Hữu: “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai/Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài/Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm/Quanh mặt hồ in mây trắng bay...”.

“Tôi nghẹn ngào không kìm được nước mắt khi nghe những câu thơ đó. Phải là người có chung chí hướng, có chung lối sống và phẩm hạnh đạo đức cao đẹp mới có thể đọc những câu thơ xúc động như vậy” – anh Nguyễn Đức Nghĩa tỏ bày.

Kể từ khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đến nay, mỗi khi đọc những dòng tin, nhìn những tấm ảnh về Tổng Bí thư là anh Nghĩa lại trực trào nước mắt vì thương nhớ. Anh đã hai lần chủ động đi qua nhà Tổng Bí thư ở số phố Thiền Quang (Hà Nội), dừng lại, đứng nhìn về phía căn nhà từ đầu ngõ, để thể hiện lòng thành kính đối với vị lãnh đạo tâm huyết, cống hiến cho đất nước, cho nhân dân đến những giây phút cuối cùng.

Cả đêm không ngủ…chờ tới lễ viếng

Từ sáng sớm, quanh khu vực xung quanh Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, nhiều người dân đến từ các tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Trị, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… đã có mặt.

“Bình thường tôi đi bán hàng từ 6h sáng đến 12h trưa tại các chợ quanh đây. Nhưng hôm nay, tôi sắp xếp chỉ đi giao hàng để xong sớm tới Nhà tang lễ viếng Tổng Bí thư. Từ 6h sáng tôi đã đứng ở đây rồi. Tôi sẽ kiếm chỗ quanh đây ngồi đợi đến giờ vào viếng” - chị Nguyễn Thị Nguyệt, quê ở Hưng Yên chia sẻ.

Khu vực bảo vệ ngoài cùng Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông

Khu vực bảo vệ ngoài cùng Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông

Là một nông dân chân chất, sớm tối với công việc đồng ruộng, không mấy am hiểu về chính trị nhưng qua theo dõi những hình ảnh quá đỗi giản dị, mộc mạc, gần gũi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Nga, quê ở Phú Thọ dành rất nhiều tình cảm trân trọng đối với vị lãnh đạo cao nhất của Đảng. Sáng sớm nay, con trai đã chở bà từ quê về Hà Nội viếng Tổng Bí thư.

“Mấy ngày nay, khi nghe tin Tổng Bí thư mất, tôi lúc nào cũng bần thần, tâm trạng, hễ nghe tin tức gì đến quan đến bác, tôi cũng rơi nước mắt vì thương” – bà Nga cho biết.

Cùng chung tâm trạng, bà Nguyễn Thị Hạnh, trú tại quận Thanh Xuân chia sẻ, cả đêm bà không ngủ được vì tâm trạng hồi hộp chờ đến sáng để đến Nhà tang lễ viếng Tổng Bí thư.

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vị lãnh đạo dành được tình cảm trân trọng tuyệt đối từ nhân dân. Với tinh thần làm việc, cống hiến cho đất nước, cho nhân dân, cho Đảng đến những giây phút cuối cùng trên giường bệnh, Tổng Bí thư đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng mỗi người dân chúng tôi" - bà Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ.